Tuesday, December 25, 2012

Suy ngẫm về nhà nước, người dân và lạm phát

Hôm nay nhân đọc một bài nói về trái phiếu chính phủ (TPCP), làm mình nhớ lại câu chuyện hồi nhỏ. Nhớ lúc còn nhỏ, mình thường thấy ba mẹ hay mang về mấy tờ trái phiếu kho bạc. Mà mỗi lần mang về, ba mẹ đều than phiền là cái này mua vì bắt buộc, chứ bỏ tiền mua cái thứ quỷ này, chẳng lời lóm gì bao nhiêu. Mình thắc mắc hỏi ba là tại sao nhà nước (NN) lại phát hành Trái phiếu (TrP) và bắt mình mua? Ba bảo là NN cần tiền cho ngân sách để xây dựng đường sá, trường học, bệnh viện, trả lương công chức nên phát hành TrP để mượn tiền từ người dân chi trả cho các khoản đó. Mình lại hỏi tiếp là vậy cho NN mượn tiền, khi nào họ trả và mình có được lợi gì không? Thường thời hạn là 5 năm, sau 5 năm mình đem TrP đến kho bạc đổi lại tiền cộng với tiền lãi - Ba tiếp tục giải thích.

Thursday, December 20, 2012

Suy ngẫm về cafe rang xay truyền thống VN

Mình bắt đầu uống cafe từ hồi 6-7 tuổi. Thay vì ở lứa tuổi đó người ta uống sữa, bà nội lại tập cho mình uống cafe. Rồi ghiền luôn từ đó.

coffee_baby



Hồi nhỏ quê ở miền Tây, chẳng phải là xứ sở của cafe. Cả cái thị xã, quanh đi quảnh lại cũng chỉ có 4 cửa hiệu. Chủ của 3 trong 4 hiệu cafe là anh em ruột của nhau. Hiệu cafe còn lại, chủ là một người gốc Hoa, cha ruột của 3 ông chủ kia và cũng là người đã khởi nghiệp nghề cafe rang gia truyền cho gia đình. Nói túm lại là cả gia đình nhà họ độc quyền cafe ở thị xã, nhưng chẳng thấy dấu hiệu gì là ém hàng, nâng giá.

Tuy là nghề gia truyền của gia đình, nhưng nếm kỹ, vẫn thấy hương vị khác nhau từ mỗi cửa hiệu. Ông bác mình hay nói: "ông Kim Thành (người cha) không truyền hết nghề cho các con. Mỗi thằng chỉ truyền cho một độc chiêu, để sau này anh em mỗi người một hương vị, không giành giựt buôn bán với nhau. Hôm nào có thằng đi vắng thì truyền độc chiêu cho mấy thằng còn lại. Nên thằng nào siêng năng chăm chỉ thì học được nhiều, còn thằng nào lười biếng thì học ít. Mỗi thằng một kiểu, không ai hơn ai. Riêng ổng thì giữ lại vài chiêu tuyệt kỹ, để không bị qua mặt".

capheden

Cho đến giờ, mình vấn thích uống cafe rang xay và pha phin (Filter - Đồ lọc) kiểu truyền thống của VN. Mặc dù hiện nay du nhập khá nhiều phong cách cafe ngoại quốc cũng không kém phần hấp dẫn. Nào là cafe latte, capuchino, cafe đá xay, thậm chí cafe hoà tan, đóng lon... Đủ kiểu. Nếu xét thương hiệu đàng hoàng thì hầu hết các thương hiệu cafe có tiếng đều phục vụ cafe phong cách Tây Âu. Còn cafe kiểu truyền thống VN thì chỉ có mỗi Trung Nguyên là có tên tuổi. Trong khi đó, VN luôn là nước trong nhóm đầu thế giới về xuất khẩu cafe (*).

Ở SG, ngoài Trung Nguyên ra thì vẫn có nhiều lựa chọn cafe truyền thống khác cũng ngon không kém. Nhưng để xây dựng được 1 thương hiệu tầm cỡ thì đúng là chỉ có mỗi Trung Nguyên, tính cho đến bây giờ.

Những quán cafe sân vườn thì họ chủ yếu phục vụ không gian, nên thực đơn phong phú, còn cafe thì bình thường. Những quán cafe cóc thì họ bán nước bắp, đậu nành rang và hoá chất là chủ yếu. Hiếm lắm mới tìm được một quán cafe cóc đúng chất.

Quả thật, nếu không có Trung Nguyên, người ta sẽ chẳng biết dùng thương hiệu nào đại diện khi nói về cafe rang xay pha phin truyền thống kiểu VN.

i-love-coffee

Chỉ hơi lo một điều là anh Vũ hình như có triệu chứng mắc bệnh vĩ cuồng. Còn bộ máy của Trung Nguyên cũng có nhiều vấn đề khi liên tục mắc phải những sai lầm về truyền thông và marketing. Mong rằng họ sẽ ko đánh mất chính mình, để những người đam mê cafe truyền thống kiểu VN còn có một thương hiệu để lựa chọn và tự hào.

----------
(*) http://vov.vn/Kinh-te/Viet-Nam-tro-thanh-nuoc-xuat-khau-ca-phe-lon-nhat-the-gioi/219913.vov

Thursday, December 6, 2012

Thủ thuật tin học #2: Cách quản lý folder và file trên máy tính

large-Database-Optimization-icon

Bài viết dưới đây, mình sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm cá nhân về việc quản lý folder và file trên máy tính:

(Lưu ý: để bài viết ngắn gọn, toàn bộ nội dung dưới đây mình chỉ dùng mỗi từ file để nói chung về folder và file)

1.  Không đặt tên file bằng tiếng Việt có dấu. Những ký tự tiêu chuẩn của máy tính không có dấu tiếng Việt. Do đó, những từ có dấu chỉ hiển thị trên giao diện người dùng cao cấp. Còn ở cấu trúc nền tảng của hệ điều hành, máy tính sẽ mã hoá các dấu tiếng Việt thành những ký tự tiêu chuẩn, khi có sự cố về virus, hỏng thiết bị lưu trữ, việc tìm kiếm và khôi phục file sẽ rất khó khăn.

VD: Bên dưới là dòng mô tả thư mục trong chế độ MS-DOS. Thư mục tên "Nguyễn Việt Thắng" đã bị đổi thành "Nguy?n Vi?t Th?ng"
d:\Down-Up load\aaa>dir
Directory of d:\Down-Up load\aaa
Financial Econometrics
Fullbright - Tham dinh du an
KJ Pirate Activator
Nguy?n Vi?t Th?ng
Windows 8-Pro-Final crack
0 File(s)   0 bytes    5 Dir(s)  43,932,569,600 bytes free

2. Không viết tắt tên file quá tối giản kiểu "TDNH.docx". Dữ liệu trong máy tính của bạn sẽ ngày càng nhiều đến mức bạn chẳng nhớ đã từng lưu cái gì. Viết tắt sẽ gây khó khăn khi tìm kiếm.

3. Không lưu trữ dữ liệu cá nhân ở ổ đĩa hệ thống (ổ C). Ổ đĩa hệ thống chỉ dành lưu trữ những file vận hành hệ thống. Khi máy tính gặp sự cố, cần cài đặt lại hệ điều hành hoặc format lại ổ C, bạn sẽ không bị mất dữ liệu cá nhân của mình.

4. Nên sắp xếp và phân loại dữ liệu một cách có trật tự ngay từ đầu. Đừng bao giờ có suy nghĩ "Lưu tạm đây trước, bữa nào rảnh sắp xếp lại sau". Sẽ chẳng có bữa nào rảnh sau này cả. Dữ liệu sẽ ngày càng nhiều, lộn xộn như bãi rác mà thôi.

Bạn nên phân chia 1 ổ cứng vật lý ra làm nhiều partition (ổ đĩa hiển thị trong hệ điều hành). Ổ cứng 250GB thì nên chia 3 partitions (hoặc nhiều hơn tuỳ nhu cầu).

Cách sắp xếp và phân loại dữ liệu thì tuỳ vào mục đích của người sử dụng. Máy tính dùng giải trí khác, máy tính dùng công việc khác. Như máy của mình, vừa giải trí, vừa công việc, dung lượng ổ cứng 160GB. Mình chia 40GB cho ổ C, còn lại 120GB cho ổ D. Trong ổ D có các thư mục:
Data: Công việc, học tập.
Down-Up load: Dữ liệu mới chép về, chưa phân loại, file linh tinh dạng xxx (xem xong xoá).
Mobile phone: Dữ liệu liên quan các phần mềm, ứng dụng dành cho điện thoại.
Music: Âm nhạc.
Pictures: Hình ảnh.
Softwares: Phần mềm: Applications, Internet, Media, Security, Game.
Videos: Videos, movies.

Bên trong mỗi thư mục cơ bản ở trên có hàng trăm thư mục con chia làm nhiều cấp được phân loại tiếp tục. Điều quan trọng là người dùng phải tự đưa ra một cấu trúc phân loại thống nhất cho toàn bộ dữ liệu. Khi cần sẽ tìm rất nhanh.

5. Đặt tên file có thời gian theo cấu trúc [Tên file]_[yyyy][mm][dd]_[hh][mm]. Mặc dù hệ điều hành có chức năng sắp xếp thứ tự file theo các trường Tên file, Ngày giờ, định dạng... Nhưng việc đặt tên file có ngày giờ vẫn cần thiết trong một số trường hợp và nên sắp xếp thứ tự ngày giờ theo chiều từ lớn tới nhỏ. Vì khi bạn sắp xếp tên file theo trật tự Alphabet tăng dần, thì ngày giờ trong tên file cũng sẽ theo thứ tự tăng dần.

VD:

Trường hợp 1: (Không hiệu quả)

Đặt tên file theo kiểu [Tên]_[dd][mm][yyyy]:
Report_30112012.xls và Report_04122012.xls

Khi sắp xếp theo tăng dần ta có thứ tự:

Report_04122012.xls
Report_30112012.xls


 

Trường hợp 2: (hiệu quả)

Đặt tên file theo kiểu [Tên]_[yyyy][mm][dd]:
Report_20121130.xls và Report_20121204.xls

Khi sắp xếp theo tăng dần ta có thứ tự:

Report_20121130.xls
Report_20121204.xls


 

6. Đặt tên file văn bản pháp luật. Dùng ký hiệu của văn bản pháp luật làm tên file nhưng có thay đổi theo cấu trúc:

[Cơ quan ban hành]_[Loại văn bản]_ [Năm]_[Số hiệu] - [Tên tóm tắt nội dung]

VD:
BTC QD 2007 27 - Quy che hoat dong CTCK.doc
BTC QD 2007 35 - Quy che hoat dong CT QLQ.doc
BTC QD 2007 87 - Quy che dang ky luu ky thanh toan bu tru.doc
CP ND 2010 85 - Quy dinh xu phat trong TTCK.doc
QH12 2010 62 - Sua doi Luat CK 70-2006-QH11.doc

 

P/S: Tạm thời viết bấy nhiêu, bữa sau nhớ thêm viết tiếp ^^

Long mạch và huyết mạch

Cổ nhân có nói, vạn vật trong Vũ trụ đều có mối tương quan. Và cơ thể con người là một kỳ quan độc nhất vô nhị của Vũ trụ. Nắm bắt được quy luật của Vũ trụ, tất sẽ đoán biết được vận mệnh con người. Thấu hiểu được nội tại con người, là thông tuệ được vạn vật.

Khoa học phương Tây đã đi tìm kiếm chân lý này suốt mấy ngàn năm qua, nhưng cứ mải mê chạy theo các sự vật, hiện tượng, rồi nghĩ ra biết bao công cụ phục vụ cho việc đo đạc, tính toán; cố gắng lý giải vạn vật từ cái vĩ mô cho đến cái vi mô. Nhưng lại quên mất chính bản thân con người là sự kết tinh của Vũ trụ.

Ngược lại, khoa học phương Đông đã nhận ra chân lý này từ sớm. Ngay từ buổi bình minh của lịch sử, các học giả phương Đông đã tìm kiếm lời giải đáp cho Vũ trụ ngay từ bên trong bản thân của chính mình. Thông tuệ vạn vật ngay từ trong bản ngã.

Nhớ lại cách đây cũng đã lâu, tầm khoản 3-4... tuần về trước, tại hạ có buổi đàm đạo với một vị cao nhân hiệu Tú Bựa, tự Bụ Tán, tên Hoang Tu trong một buổi trưa hè mây đen quần vũ mà nắng gắt chói chan. Cao nhân có chỉ dạy, cơ thể con người là một tiểu vũ trụ, đất có long mạch, người có huyết mạch. Long mạch là đường dẫn và hội tụ linh khí của trời đất, huyết mạch là đường lưu thông của khí huyết trong cơ thể. Nên có thể vận dụng quy luật càn khôn mà áp dụng vào cơ thể con người, thay đổi đường đi của khí huyết, là có thể thay đổi được số mệnh.

Vừa nói dứt câu, cao nhân chỉ cười một tiếng, mà thoắt cái đã phóng lên con Nouvo LX, khuất bóng ngã tư, bỏ lại đằng sau cảnh giao thông hỗn loạn, chúng sanh chen chúc trong cõi lầm than...

Kể từ khi cao nhân khuất bóng cho đến lúc tại hạ kịp định thần lại, thì không biết thời gian đã trôi qua bao lâu, nhưng tâm trí lúc đó vẫn hỗn mang lắm, bởi câu nói chỉ điểm của cao nhân vẫn còn quanh quẩn trong đầu mà chưa ngộ được thần ý. Bỗng trong phút chốc, cảnh giới giác ngộ đã loé lên trong suy nghĩ của tại hạ. Cảm giác tỉnh ngộ như người vừa từ trong hầm xí bước ra, nhẹ nhàng, sảng khoái, phấn khích mà cũng vả chút mồ hôi vì có đôi phần hao tổn nguyên khí.. Một sự an lạc khôn cùng, khó mà diễn tả hết thành lời.

Mà ngẫm cũng đúng. Chuyện tư duy nó giống như là đi đại tiện. Một cơn rặn phải được liền mạch như khi tư duy. Nếu đang tư duy mà bị ngắt quãng, giống như cơn rặn chưa thành mà bị dừng đột ngột. Lúc đó phải rặn lại từ đầu, ắt sẽ tốn nhiều sức lực. Một đôi lần thì không sao, nhưng lâu ngày dài tháng, nhẹ thì có thể trĩ nội trĩ ngoại, nặng thì xuất huyết hậu môn mà chết. Cũng như tu tập nội quán, nếu nghĩ không thông dẫn đến tẩu hoả nhập ma, nhẹ thì nửa điên nửa tỉnh, nặng thì xuất huyết não mà chết. Thật tác hại khôn lường. Nguy hiểm như nhau.

Mà tạm gác lai chuyện tư duy đại tiện, dịp khác sẽ bàn tiếp, tại hạ xin quay lại câu chuyện của vị cao nhân.

Sau khi đã qua trạng thái tỉnh ngộ, tại hạ ngồi ngẫm lại bản thân. Mới thấy vận mệnh mình lận đận bao năm qua, ắt do bởi huyết khí rối loạn, thể nào trong cơ thể cũng có yếu tố nào đó không bình thường. Sực nhớ có cái răng cửa bị mẻ bỏ mặc mấy năm qua.

Miệng là khẩu, mà khẩu là cửa ngỏ, là yếu huyệt cực quan trọng của con người. Mọi nguồn năng lượng dưới dạng dinh dưỡng thực phẩm đều phải qua miệng. Chính bởi thể nên nơi miệng tập trung khá nhiều huyết mạch, từ các huyết mạch toả ra ngoài thông qua các chân răng, nên có thể nói răng là nơi hội tụ của khí huyết. Răng tạo ra sức mạnh cho việc xử lý thực phẩm trước khi vào dạ dày, một động tác nhai sử dụng 80% cơ mặt, hết thẩy sức mạnh vùng mặt đã được dồn vào răng. Răng còn là vũ khí tự vệ bẩm sinh cực kỳ nguy hiểm của con người, một nhát cắn với hàm răng không được vệ sinh trong 1 tuần có thể gây tử vong cho đối phương sau 1 thời gian bị nhiễm trùng.

Chính bởi nhờ lời cao nhân chỉ bảo, nên hôm nay tại hạ mới đi trồng lại răng. Công đoạn trồng răng cũng đã được một nửa chặng đường. Hiện tại đang lắp tạm răng nhựa, chờ răng sứ đúc xong. Thế mà chẳng may hôm nay ngồi gặm bánh mì làm mẻ cái răng nhựa tạm. Tức cảnh sinh tình, ngồi đôi phút mà chém ra được cả... vũ trụ càn khôn! Chắc một phần cũng do bởi huyết mạch đã được nối lại, khí huyết lưu thông, nên đầu óc nó thông tuệ thêm đôi phần. Âu cũng là nhờ ơn cao nhân chỉ dạy./.

Thursday, November 15, 2012

Tên huý, tên tự và tên hiệu của cổ nhân

Coi phim Thuỷ Hử và Tam Quốc Diễn Nghĩa, thấy bậc nho sĩ, tao nhân mặc khách, giang hồ hảo hán ngày xưa hay có vụ ngoài tên huý do cha mẹ, ông bà đặt lúc mới sinh, còn có tên tự và tên hiệu. [1]

Tên tự thì thường khi đủ 20 tuổi, được coi là trưởng thành, có thể tự thân lập nghiệp sẽ do ông bà, cha mẹ hoặc tự mình đặt. Tên tự được sử dụng song song với tên huý. Ý nghĩa của việc đặt tên tự là quan niệm người đã trưởng thành, có thể thành gia lập thất, có con cái, nên không thể dùng tên huý để gọi nữa, mà phải dùng tên tự, biểu thị sự kính nể. Tên tự thường có ý nghĩa liên quan đến tên huý để bổ nghĩa.

Ngoài tên tự ra, một người khi đã thành danh, có tên tuổi, uy tín trong xã hội, người ta còn tự đặt cho mình tên hiệu. Mục đích của việc đặt tên hiệu là để gửi gắm quan điểm, tư tưởng, chí hướng, hoài bão của người đó vào biệt hiệu của mình. Tên hiệu, ngoài việc do mình tự đặt ra, còn có tên hiệu do giang hồ đặt, gọi là ngoại hiệu.

Ví dụ: [2]
Ở Trung Quốc:
- Khổng Khâu, tự Trọng Ni, hiệu Khổng Phu Tử (hay Khổng Tử).
- Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh, hiệu Ngoạ Long tiên sinh.
- Bàng Thống, tự Sỹ Nguyên, hiệu Phượng Sồ: hồi trước có người khen mình giống Bàng Thống trong Tam Quốc Chí, mình tưởng họ có ý khen mình tài. Sau này coi Tam Quốc Chí mới biết ý của họ là nói mình dung mạo xấu xí nhưng được cái liều giống Bàng Thống.
- Hô Bảo Nghĩa, Cập Thời Vũ, Tống Giang, Tống Công Minh: ông này thì tên là Tống Giang, nhưng nhiều danh xưng quá, chẳng biết cái nào là tự, cái nào là hiệu.

Ở Việt Nam:
- Ngô Tuấn, tự Thường Kiệt, về sau theo họ vua là họ Lý, nên thường được gọi là Lý Thường Kiệt. Được vua Lý Nhân Tông ban cho hiệu Thiên tử nghĩa đệ.
- Chu Văn An, tự là Linh Triệt, hiệu là Tiều ẩn và Khang Tiết Tiên sinh.
- Nguyễn Du, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn lạp hộ.
- Nguyễn Khuyến, tên thật là Nguyễn Thắng, tự Miễn Chi, hiệu Quế Sơn, về sau đỗ Tam Nguyên nên được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ. (Yên Đổ là nơi ông sống và mất sau khi cáo quan).

Thấy vụ đặt tên tự và tên hiệu này cũng hay hay, giống như kiểu nickname bây giờ. Nhưng nickname thì nhiều lúc khó đọc, hoặc không đọc được vì dùng ký hiệu và viết không theo cấu trúc ngữ pháp. Còn tên tự và tên hiệu, nếu đặt theo chữ Hán Việt, thì lại có nghĩa, mà đọc cũng thấy thú vị.

Đang lúc rảnh rỗi, nên cũng tự nghĩ ra một cái tên tự và tên hiệu, đọc cho vui vui:
- Nguyễn Việt Thắng, tự Nguyễn Áp Tử (Áp là con vịt), hiệu Linh Cầm Thú (Cầm là gia cầm, Thú là loài thú, Linh là tâm linh, có nghĩa là Thú mỏ vịt có siêu năng lực). Tật hay nói chuyện nhảm, nên giang hồ có thể gọi là Nhảm Phong, Linh Cầm Thú, Nguyễn Áp Tử. Gọi ngắn gọn là Con Vịt!!! ^^



Chú thích
[1] Khái niệm tên huý, tên tự và tên hiệu được tham khảo tại đây:
http://vanhoanghean.com.vn/nhung-goc-nhin-van-hoa/goc-nhin-van-hoa/3515-tim-hieu-ve-danh-tu-hieu-cua-nguoi-xua.html
[2] Ví dụ tham khảo từ wikipedia.org

Monday, November 12, 2012

Vịt lạm bàn về người Việt

Mấy tuần nay, có việc phải bôn ba đi lại nhiều nơi, chủ yếu là di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng, nên phải lăn lê bò lết ở các bến bãi, nhà chờ, quán ăn, hàng xá... Quan sát dân tình thế thái, chứng kiến biết bao cảnh chướng tai gai mắt, cũng có đôi chút ức chế trong lòng, lúc đầu định viết ra vài dòng nhưng nghĩ thôi đời nó thế, tập sống vô vi, gạt bỏ thị phi, để lòng mình an nhẹ, nên không viết.

Vô tình tối nay lượn lờ Facebook, thấy thằng bạn treo link kèm theo status: "Vẻ đẹp và con người Đồng Tháp như loài hoa sen vậy!".

Đọc xong dòng này mà nộ khí xung thiên, buột miệng thốt lên rằng: Đéo mẹ! Cả cái dân tộc Việt Nam này đi đâu hầu như cũng toàn gặp cái lũ kém văn hoá, hung hăn và thiếu tử tế, cái loại đẹp như hoa sen thì gần như đã tiệt chủng cả rồi, đâu mà còn nữa!!!

Rào trước: đọc tới đoạn trên, thể nào bà con cũng chửi em là phiến diện, miệng chửi thề mà đi phê bình người khác kém văn hoá, nên em cũng xin rào trước vài điều. (1) Em chỉ nói là hầu hết dân Việt Nam, chứ không nói là tất cả, xã hội này cũng còn khá nhiều người tử tế, nhưng tiếc là quá ít! (2) Em cũng đéo phải là thằng có văn hoá, thiện nam tín nữ gì cả, 9 tuổi em đã biết chửi thề, 12 tuổi em đã biết nhậu, 14 tuổi em đã biết hút thuốc... tuổi thơ lăn lộn, chẳng có gì hay ho nên thôi không kể nhiều. Chỉ tóm gọn em chẳng phải là người tốt hay tử tế, chỉ là người ngay thẳng, thích gì nói đó, nên bà con khỏi mắc công chửi em là đạo đức giả! ^^

Thôi thì đêm tối rảnh rỗi, sẵn viết vài dòng coi như ôn lại môn ngữ văn, để tiếng Vịt không bị mai một!



Tính đến cái Thu rồi là em tròn 24 tuổi, xem ra cũng được phần ba tuổi đời, mà nhìn lại sau lưng thì chẳng ra cái ôn gì. Em vốn thích bay nhảy, nên từ nhỏ đã bôn ba nhiều nơi. Cũng đã lê lết được 1/2 cái nước Việt Nam, riêng ngoài Bắc thì chỉ được vọt máy bay ra Hà Lội rồi vọt về, nên cũng chưa có nhiều trải nghiệm, nhưng chí ít cũng biết được ngoài Hà Lội người ta cũng ăn, ngủ và sống như trong Sài Gòn.

Còn về hải ngoại, chưa có dịp nào để đi xa cho biết, nhưng có một dạo, sáng nào ngủ dậy em cũng bước qua biên giới đái một phát rồi về lại Việt Nam oánh răng rửa mặt. Có thể gọi là bôn ba địa ngoại xả nước cứu thân!!!

Đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều loại người, từ TW đến địa phương, từ nông thôn đến thành thị, từ giàu đến nghèo, từ những năm 90 của thế kỷ trước cho đến những thập nhiên đầu của thiên niên kỷ Thứ ba, cho đến bây giờ, em rút ra được một vài điều về con người Việt Nam: hầu hết người Việt Nam thiếu văn hoá, ý thức xã hội kém, hung hăn, thiếu tử tế khi giao tiếp, bầy đàn, nhiều chuyện, khôn vặt, tham lam và chủ nghĩa địa phương.

Những tính xấu kể trên của người Việt Nam có thể biểu hiện khác nhau, thay đổi cường độ ít nhiều tuỳ vùng miền, tầng lớp, địa vị xã hội, nhưng tụ chung lại vẫn là những tính cách chung nhất mà em nhận thấy ở người Việt Nam, chẳng nhìn đâu ra được một đức tính tốt ở số đông. Mặc dù xét về cá biệt, vẫn có khá nhiều người Việt Nam tử tế, nhưng tiếc họ không phải là số đông của xã hội.

Khi nói ra mấy điều này, chắc hẳn sẽ có nhiều người phản bác lại, bảo rằng em chủ quan, phiến diện, chỉ nhìn thấy một mặt rồi vội vàng quy chụp. Xin nói luôn là em không phải nhà xã hội học, nên cũng không dám tranh luận nhiều với bà con, em chỉ nói ra cảm nghĩ của mình, nhưng bà con nào có ý kiến, em cũng vui lòng trao đổi hoà nhã vì tính em thích kết giao bằng hữu, trao dồi kiến thức, chia sẻ quan điểm. Còn nếu bà con nào cảm thấy những lời nhận định ở trên của e là không đúng, thì xin thử trải nghiệm một số việc sau đây:

1. Thứ nhất là em nói người Việt Nam thiếu văn hoá và ý thức xã hôi kém, cái này thì quá dễ chứng minh. Ở khắp Việt Nam, đi đâu cũng thấy bảng "CẤM ĐÁI BẬY", nó xuất hiện nhiều tới mức mà người ta chế ra cả truyện cười về cái "Vịnh Cam Dai", hay gọi đó là căn bệnh "Đái đường" kinh niên của người Việt.

Em nhớ có ai đó nói thế này: "Hãy cho tôi xem nhà vệ sinh của ai đó, tôi sẽ biết được chủ nhà là người như thế nào!". Ở Việt Nam thì nhà vệ sinh nó ở khắp mọi nơi, bờ tường, bụi cây, cột điện... Vào nhà vệ sinh của cá nhân thì còn sạch sẽ, ngán nhất là đi mấy cái nhà vệ sinh công cộng, phải nói là không đâu dơ bằng. Mấy chỗ nhà xe bến bãi thì không nói, ngay cả những chỗ lịch sự như cao ốc văn phòng, hay như cái nhà vệ sinh ở cty em làm nó cũng dơ không kém ngay sau khi có người sử dụng (mấy chỗ này đỡ 1 cái là khi có người dọn dẹp rồi thì nó sạch trở lại).

Nói về thiếu văn hoá và ý thức xã hội kém thì còn khá nhiều vấn đề khác để ví dụ như đi ăn buffer, xếp hàng, lễ hội, hàng phát miễn phí,v.v..., nhưng văn dở thì không nên viết dài, nên em chỉ kể sơ về việc vệ sinh của người Việt, vì chuyện vệ sinh là chuyện tế nhị và tối cần thiết nhất đối với con người, ngay cả chuyện vệ sinh mà còn thiếu ý thức thì chẳng còn cái gì khác tốt hơn.

2. Thứ hai là em nói về sự hung hăn. Chạy xe ngoài đường, nhỡ có qua vẹt nhau, câu đầu tiên người Việt hỏi nhau không phải là "có sao không?" mà là "chạy kiểu gì vậy, #$%^&?!!!". Dừng đèn vàng gây cản trở người phía sau cũng có thể bị chửi, hoặc là đèn bật xanh rồi mà chưa chịu chạy liền, thậm chí còn vài giây mới tới đèn xanh thì đã nghe tiếng kèn inh ỏi phía sau. Người Việt Nam thường có xu hướng giải quyết mâu thuẫn bằng chửi bới và bạo lực, ít có ai chịu nhường ai, nếu nhỡ cả 2 cùng cương thì thường là cương cho tới cùng. Báo chí dạo này liên tục đăng những bài về bạo lực, từ học đường cho tới chuyện người lớn, trong nhà ra tới ngoài thôn, trộm chó cho tới trộm vàng. Sự hung hăn của xã hội ngày càng gia tăng. Bà con nào không tin thì cứ thử mấy cái em vừa kể, nhỡ có bị oánh chết thì đừng có hiện hồn về tìm em, em đập thêm cho khỏi đầu thai luôn!

3. Thứ ba là em nói về sự tử tế khi giao tiếp (giữa người với người hay người với thú gì cũng vậy). Trước tiên là nói về mối quan hệ "đầy tớ" và nhân dân. Vác mặt tới cơ quan nhà nước thì y như rằng sẽ được nghe la mắng, sỉ vả, dạy bảo, nạt nộ... bất kể cái loại nhân dân là già hay trẻ, hiểu chuyện hay khờ khạo. Mà nói chi đến cái bọn "đầy tớ" đầy quyền hành, ngay cả cái thằng bảo vệ ở cổng, chị tạp vụ, hay thím dọn rác ở khu phố cũng có thể hạch sách bất kỳ cái loại nhân dân nào... không biết điều!

Ở Việt Nam, đố có thằng nào dám bước vào trụ sở công an hay UBND xã, phường để hỏi thăm đường xá. Bước vào đó mà hỏi đường lơ mơ nó bắt và chở thẳng vô nhà thương điên thì khổ!

"Tính đến cuối 2011, Việt Nam có khoảng 2,83 triệu công chức, so với dân số, chiếm 2,36%, còn tính lực lượng hưởng lương có trợ giúp từ ngân sách khoảng 7,54 triệu người." [1] Trong cái đám đầy tớ này, không biết được bao nhiêu là tử tế, mà nếu có, chắc cũng thuộc dạng nằm trong sách đỏ rồi.

Đó là nói về quan hệ "đầy tớ" - nhân dân. Còn quan hệ giữa nhân dân với nhau thì còn hỗn tạp hơn nữa. Bà con thử vác đầu ra mấy chỗ công cộng như bến xe, quán ăn, chợ, bệnh viện... cứ hỏi thử mấy anh xe ôm, chị bán hàng một vài câu, hên hên thì nhận được câu trả lời tử tế, chứ phần lớn thì họ trả lời cộc lốc, còn nói mà vẫn chưa hiểu, hỏi lằn nhằn vài câu nữa, thể nào cũng bị chửi... ngu!

Đi mua sắm thì phải ăn mặc cho sang trọng, đẹp đẽ. Ăn mặc xuề xoà thì khó mà được tiếp đãi đàng hoàng, nhiều khi nó còn canh mình như canh trộm. Trong Nam thì người bán họ còn lịch sự hơn tí, không thích cũng để bụng, không chê thẳng mặt, ra Bắc mà đi mua hàng, lăn tăn thì thế nào cũng bị chửi. Ở ngoài Bắc, cửa hàng là Thượng đế, còn khách hàng là cái loại gì thì đến nay vẫn chưa ai xác định được. Vô loại!

4. Bầy đàn, nhiều chuyện, khôn vặt, tham lam và chủ nghĩa địa phương.

Viết tới đây thì thấy dài mà trời đã khuya, thôi túm gọn lại cho lẹ. Em xin kể một câu chuyện vui thế này:
Có một đám đông tụ tập bên đường, bên trong có mấy người bàn tán với nhau "nhìn chết trông thảm thiệt, tội nghiệp quá, trông cũng già rồi, nhưng mà còn bị chết thảm!". Bỗng phía ngoài có một thanh niên chen vào đám đông và la lớn: "Cho tôi qua, cho tôi qua, tôi là con của nạn nhân!". Khi chen được vào giữa đám đông rồi, thì chỉ thấy xác một con chó già bị xe cán chết. Có người chửi đổng vào: "Địt bố mày cái đồ tài lanh, chó chết mà cũng nhận làm cha để xin về thịt àh?!!"

Khi nghĩ về mấy chuyện này, nghĩ tới nghĩ lui rồi em cũng nghĩ tới một điều duy nhất: Một dân tộc mà số đông đang thiếu văn hoá trầm trọng như thế thì không biết lấy gì để tin vào tương lai đây?!! Haiz...

Đón sau: Nói gì thì nói chứ em cũng mong là những nhận định trên của em là chủ quan và chưa toàn diện. Còn bằng không, thì chỉ có thể hi vọng một điều rằng dân tộc nào cũng có lúc thịnh lúc suy, rồi sẽ có ngày dân tộc Việt Nam qua suy đến thịnh. Ngày đó là khi nào thì có Trời biết, cứ mà hi vọng thôi.

Chú thích:
[1] http://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-truong-noi-vu-co-nghe-tin-chay-viec-ton-nhieu-tien-579227.htm

Thursday, October 11, 2012

Vài suy nghĩ về Dịch lý phương Đông

Âm Dương

Sau 2-3 tuần tìm đọc về Dịch lý, Bát quái, Ngũ hành. Nhận thấy rằng tài liệu sách vở về Dịch lý ở VN và trên mạng được viết theo đủ kiểu, không có tính nhất quán, thậm chí nhiều người viết sai và tự chế. Nói chung là khá hỗn tạp.

Bát quái thì mâu thuẫn Ngũ hành, ráp các kiểu đồ hình chẳng có sự liên kết với nhau, đúng cái này thì sai cái kia. Dẫn tới tạo ra nhiều kiểu đồ hình bát quái, như Tiên thiên và Hậu thiên. Nhưng gộp lại thì không thấy được sự nhất quán. Gần đây một số nhà Dịch lý ở VN lại kết hợp với văn minh Lạc Việt và trống đồng, nghĩ ra thêm Trung thiên Bát quái, nhưng vẫn chưa được thừa nhận rộng rãi.

60 nạp âm Hoa giáp cũng mâu thuẫn và ko có tính cấu trúc. Nhưng chẳng hiểu vì sao trải qua mấy ngàn năm nghiên cứu và phát triển, khó mà tìm thấy một nhà nghiên cứu nào phản biện vấn đề này, đa phần đều tặc lưỡi bỏ qua, người xưa viết vậy ắt là có huyền cơ, cứ áp dụng theo vậy. Đây cũng có thể là do văn hoa khoa học của phương Đông, ít dám phản biện và chấp nhận phản biện, hậu sinh thì phải nghe theo lời tiền bối, và xu hướng nhuốm màu huyền bí cho khoa học để dễ lừa gạt, thu lợi ích cho riêng mình.

Xem lại các học thuyết về Dịch lý, rõ ràng vẫn không giải thích được một cách nhất quán toàn bộ thế giới tự nhiên. Lý giải lúc đúng lúc sai, phù hợp cái này thì mâu thuẫn cái kia. Ngũ hành thì cho rằng toàn bộ thế giới tự nhiên bị chi phối bởi 5 hành: Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ; còn Bát quát thì có 8 quái: Thiên (Càn) Trạch (Đoài) Hoả (Ly) Lôi (Chấn) Phong (Tốn) Thuỷ (Khảm) Sơn (Cấn) Địa (Khôn). Giữa 5 hành và 8 quái cũng đã cho thấy sự khác nhau về cách lý giải thế giới tự nhiên, nhưng các nhà nghiên cứu Dịch học lại còn kết hợp 2 học thuyết này lại với nhau, cho ra đồ hình Bát quái ngũ hành, sự kết hợp khiên cưỡng, làm cho lý luận càng rối khi phải nhồi nhét 8 quái và 5 hành. Một ví dụ cụ thể là phản ứng phân hạch nguyên tử. Nếu nói Uranium là thuộc Thổ, thì sự kết hợp của Thổ sao có thể cho ra Hoả (nguồn năng lượng hạt nhân) được? Không lẽ Uranium thuộc Mộc?

Trong khi khoa học thực chứng phương Tây, để một học thuyết được thừa nhận rộng rãi, thì phải đáp ứng 3 điều cơ bản sau:

1. Phải có cở sở logic học.
2. Phải có thực nghiệm chứng minh.
3. Phải có tính phổ quát cao.

Học thuyết Dịch lý phương Đông thường không đáp ứng được các điều này.

Tóm lại, Dịch lý phương Đông có 2 khả năng:

1. Hoặc là nó sai từ căn bản. Chỉ là 1 lý thuyết do người xưa nghĩ ra để giải thích thế giới, hiện giờ thì không còn hợp lý nữa, không áp dụng được.

2. Hoặc là nó bắt nguồn từ những nền văn minh ưu việt ngày xưa, nhưng bị thất truyền nhiều nội dung chính yếu, dẫn đến các nhà nghiên cứu về sau đã vận dụng sai, diễn giải lầm lạc, làm sai lệch đi nội dung ban đầu. Chưa kể một số thuật sĩ đã nhuốm màu sắc mê tín, tôn giáo để trục lợi bất chính.

Riêng về ứng dụng dự báo tương lai, vận mệnh của Dịch lý, người viết cho rằng các nhà nghiên cứu cần có những bằng chứng thực nghiệm xác đáng khi đưa ra các dự báo. Chứ không phải những phân tích, suy luận chủ quan phụ thuộc nhiều vào cảm tính và kinh nghiệm của riêng mình.

Phân tích sự bất hợp lý của Dịch lý phương Đông như thế không có nghĩa là chê bai, bài trừ hoàn toàn, xét theo góc độ lịch sử, Dịch lý vẫn chứa đựng những giá trị khoa học nhất định. Nhất là về toán học. Dựa vào Dịch lý có thể thấy rằng lịch sử phương Đông cổ đại đã có một nền toán học phát triển khá mạnh. Nhờ vào đó mà các lĩnh vực khác cũng phát triển theo như: xây dựng, kiến trúc, lịch pháp, thiên văn, thương mại...

Trên đây là một vài suy nghĩ của người viết đúc kết được sau khi tìm hiểu về Dịch lý. Ý tứ có phần lủng củng tí xíu, cũng chỉ mong chia sẻ quan điểm với mọi người. Nếu có điều chi sai sót, mong được sự chỉ bảo và học hỏi thêm từ những nhà nghiên cứu Dịch lý.

Nguyễn Việt Thắng.
nguyenvietthang0@gmail.com

Friday, August 24, 2012

Thủ thuật tin học #1: Cách tạo một link ngắn (có cả QR Code)

Các bạn thường xuyên sử dụng Internet chắc hẳn có ít nhất đôi lần trích dẫn nội dung bằng một đường link Internet để người khác tham khảo. Nhưng việc trích dẫn không đơn giản chỉ là Copy & Paste. Thỉnh thoảng chúng ta gặp những đường link quá dài với đủ thứ ký tự rối rắm.

Với những đường link dài và cấu trúc vô trật tự như thế sẽ gây ra một số khó khăn sau:
- Khi bạn Copy & Paste, đoạn nội dung được Paste ra có thể sẽ bị mất Hyperlink (đường liên kết). Lúc này bấm vào link sẽ không dẫn tới nội dung của nó.
- Khi trích dẫn link vào một bài viết và in ra giấy, một đường link quá dài với đủ ký tự rối rắm sẽ gây nản lòng cho người muốn tra cứu. Vì họ không thể ngồi gõ nội dung đó vào máy tính được.
- Đường link dài sẽ làm cho bố cục bài viết trở nên rối rắm.
v.v...

Vì những khó khăn trên, nên cộng đồng Internet đã tạo ra khá nhiều công cụ để chuyển đổi một đường link dài thành một đường link ngắn (Create a short link hay Convert to a short link). Ngoài ra, với sự phổ biến của Smartphone (Điện thoại thông minh), người ta còn áp dụng các công nghệ mã hoá chuyển đổi ký tự thành hình ảnh như công nghệ QR Code (Mã ma trận có hình vuông với 3 góc định vị, tham khảo: Wikipedia QR Code).

Viết tới đây làm mình nhớ tới câu nói: Hầu hết những phát minh đều phục vụ cho tính lười biếng của con người!

Ví dụ:
Đây là đường link gốc dẫn đến một note của tôi trên Facebook:
https://www.facebook.com/notes/imhotec-seja/th%E1%BB%A7-thu%E1%BA%ADt-tin-h%E1%BB%8Dc-4-c%C3%A1ch-t%E1%BA%A1o-m%E1%BB%99t-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-link-ng%E1%BA%AFn-c%C3%B3-c%E1%BA%A3-qrcode/460388127329426

=> Đường link này quá dài và phức tạp (205 ký tự, dài hơn 1 SMS)

Còn đây là đường link đã được làm ngắn lại:
Link 1: http://tinyurl.com/vitlongvang
Link 2: http://goo.gl/XRnDt
Link 3: http://q.gs/2285804/facebooksejanoteshortlink
QR Code:
QR Code

Các đường link trên đều dẫn tới một nguồn nội dung duy nhất là cái note này. (Đường nào rồi cũng về chuồng vịt! ^^)

Hướng dẫn thực hiện:

Cách 1: Dùng Google Url Shortener - goo.gl

Tính năng:
- Tạo một đường link ngắn có dạng: goo.gl/????? (với ????? là 5 ký tự ngẫu nhiên).
- Ngoài đường link ngắn ra còn có một QR Code.
- Nên đăng nhập vào tài khoản Google khi dùng công cụ này để khỏi phải nhập mã Captcha.
- Nếu có tài khoản Google, bạn có thể quản lý các đường link đã tạo (Views, Browsers, Countries).
- Các đường link ngắn được tạo không bao giờ hết hạn, trừ khi Google... đóng cửa!

Thực hiện:
Bước 1: Vào trang goo.gl
Bước 2: Đăng nhập tài khoản Google.
Bước 3: Copy & Paste đường link gốc vào ô trống. Bấm Shorten URL. Đường link ngắn được tạo sẽ hiển thị bên góc phải màn hình.
Bước 4: Bấm vào chữ Details bên cạnh đường link để xem thêm QR Code và thông tin của link.
Xong.

Cách 2: Dùng TinyURL.com

Tính năng:
- Tạo một đường link ngắn có dạng: tinyurl.com/******* (Trong đó ******* là những ký tự ngẫu nhiên hoặc do người tạo nhập).
- Người dùng có thể tự nhập nội dung của đường link.
- Không cần tài khoản đăng nhập, không phải nhập mã Captcha khi tạo, không quản lý được các đường link vì không có tài khoản.
- Không tạo được QR Code.
- Tạo ra 2 đường link. Một đường link đăng nhập trực tiếp có dạng tinyurl.com/*******. Một đường link gián tiếp qua trang tinyurl.com để xem trước đường link gốc có dạng preview.tinyurl.com/*******
- Các đường link được tạo không bao giờ hết hạn, trừ khi TinyURL... dẹp tiệm.

Thực hiện:
Bước 1: Vào trang tinyurl.com
Bước 2: Copy & Paste đường link gốc vào ô trống.
Bước 3: Nhập nội dung đường link ngắn cần tạo vào ô Custom Alias bên dưới, nếu bạn muốn có một đường link với nội dung theo ý mình, nếu không có thể bỏ qua bước này.
Bước 4: Bấm Make TinyURL!
Bước 5: Kết quả cho ra 2 đường link. Một dạng tinyurl.com/******* và một dạng preview.tinyurl.com/*******
Xong.

Ngoài 2 web trên, còn rất nhiều trang web khác hỗ trợ tạo đường link ngắn. Mình chỉ giới thiệu 2 trang này vì nó phổ biến và uy tín. Đặc biệt, có một trang tên là adf. Trang này ngoài tạo đường link ngắn ra, nó còn trả tiền cho bạn dựa vào số lượng truy cập vào đường link đã tạo (4$ cho 15.000 clicks thì phải), tức nhiên là kèm theo một điều kiện, họ sẽ quảng cáo khi bạn bấm vào đường link.

Percentage point và Basis point (Điểm phần trăm và Điểm cơ bản)

1. Khái niệm về Percentage point (Điểm phần trăm) và Basis point (Điểm cơ bản):

Nội dung được dịch từ nguồn: Math is fun - Percentage points
(Có chỉnh sửa và bổ sung cho rõ nghĩa.)
1.1. Percentage Points - Điểm phần trăm
Một điểm phần trăm = 1%.

Ví dụ: Lãi suất tăng từ 14%/năm lên thành 15%/năm thì gọi là tăng 1 Điểm phần trăm.

Tránh sự nhầm lẫn với "Sự thay đổi phần trăm tương đối giữa 2 số tuyệt đối" ra sao!

Nếu bạn đơn giản chỉ thêm/bớt một phần trăm từ một con số phần trăm khác, thì nên sử dụng "Điểm phần trăm" khi nói về sự thay đổi này.

Điều này để thể hiện rõ rằng bạn không có ý nói về sự thay đổi tương đối (tức là sự thay đổi một phần giá trị so với giá trị gốc, vd: sự tăng trưởng kinh tế, GDP năm nay tăng 8% so với năm trước; sự tăng trưởng doanh thu, doanh thu tăng 20% so với cùng kỳ).

Ví dụ:
Tiêu đề ghi: "Lãi suất vừa được tăng từ 10%/năm lên thành 12%/năm"

Ta nói:  12%:10% = (12/100) : (10/100) = 1,2 = 120%, gọi là lãi suất đã tăng 20%, hay tăng 1,2 lần.
hay nói: Từ 10% tăng lên thành 12% là lãi suất tăng lên 2%.
Vậy cái nào đúng?

Cách nói đúng đó là lãi suất tăng 20%, bởi vì "%" là tỷ lệ của 2 giá trị (giá trị mới chia cho giá trị cũ). Còn nói tăng lên 2%, có nghĩa là từ lãi suất 10%, tăng 2% thì sẽ thành 10,2%.

Tuy nhiên, những người với món nợ vay mua nhà có thể hiểu ý "tăng 20%" của bạn là lãi suất đã tăng từ 10% lên thành 30%, và chắc họ sẽ lên tăng xông mà nhập viện?!!

Vì thế, cách nói hay hơn là nên nói lãi suất tăng 2 điểm phần trăm. Như vậy sẽ rõ nghĩa và tránh nhầm lẫn.

Vậy có 2 cách nói đúng khi nói lãi suất tăng từ 10% lên thành 12%:
- Tăng 20%.
- Tăng 2 điểm phần trăm.

Để rõ ràng, có thể sử dụng cả 2 cách nói cùng lúc. Ví dụ, "Hôm nay, lãi suất đã tăng 2 điểm phần trăm, có nghĩa là số tiền thanh toán lãi sẽ tăng 20%". Nhưng thông thường, khi đề cập về sự thay đổi của một con số phần trăm, người ta sẽ dùng khái niệm điểm phần trăm để tránh sự hiểu lầm. Và cách dùng này là phổ biến và là thông lệ chung trong học thuật cũng như trong kinh tế. Đó cũng là lí do mà người ta đưa ra khái niệm điểm phần trăm.

1.2. Basis Points - Điểm cơ bản (BPS)
Một điểm cơ bản bằng một phần một trăm của điểm phần trăm. 1 BPS (điểm cơ bản) = 0.01 Điểm phần trăm.
tức là: 100 BPS (điểm cơ bản) = 1 Điểm phần trăm.

Đơn giản mà nói, trong một số lĩnh vực (như tài chính), sự thay đổi của con số phần trăm thường rất nhỏ, có khi thể hiện chính xác đến 2 con thập phân. Cho nên người ta chia nhỏ 1 điểm phần trăm (1%) thành 100 đơn vị và gọi mỗi đơn vị đó là điểm cơ bản. Để khi nói về sự thay đổi nhỏ đó, người ta dùng khái niệm điểm cơ bản cho tiện lợi.

Ví dụ: Chênh lệnh giữ 8.10% và 8.15% là 5 BPS (Điểm cơ bản)
Nói thêm: Kiểu chia nhỏ này, gần đây chúng ta còn thấy ở trường hợp của Bitcoin. Có thời điểm, 1 Bitcoin có giá trị bằng 1.000 USD. Nên để thuận tiện giao dịch, ngta chia nhỏ 1 Bitcoin thành 100.000.000 Satoshi (Một trăm triệu Satoshi).

2. Một số trường hợp viết sai ở VN khi nói về "sự thay đổi phần trăm":

Đọc các báo cáo về lãi suất hay những chỉ tiêu thể hiện bằng con số phần trăm, thì thấy rằng có Tổng cục thống kê (GSO) là thường xuyên sử dụng thuật ngữ Điểm phần trăm. Trong khi đó, một cơ quan quan trọng như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại hầu như không sử dụng thuật ngữ Điểm phần trăm và do đó, việc thể hiện sự thay đổi "con số phần trăm" trong báo cáo đã bị sai về mặt ngữ nghĩa.

Còn các tờ báo chuyên về kinh tế thì sử dụng thuật ngữ này một cách không đồng bộ. Thỉnh thoảng dịch sai lẫn lộn giữa Điểm phần trăm và Điểm cơ bản.

Ví dụ:

2.1. GSO đã sử dụng rất chuẩn xác thuật ngữ Điểm phần trăm trong THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI SÁU THÁNG ĐẦU NĂM 2012 ngày 29/06/2012.

2.2. Còn NHNN, trong bài viết Giảm lãi suất: Những động thái tích cực của ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngày 10/06/2012 lại không sử dụng Điểm phần trăm, làm cho ngữ nghĩa của bài viết trở nên sai hoàn toàn.

- "Tiếp theo các giải pháp lãi suất, tín dụng đã và đang triển khai quyết liệt từ đầu năm 2012 tới nay, thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ, từ ngày 11/6/2012, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm 1%/năm đối với các mức lãi suất điều hành."
=> Theo như ý của đoạn này, có thể hiểu là nếu hiện tại, lãi suất điều hành là 10%, thì mỗi năm sẽ bị giảm đi 1% của 10%. Tức là giảm 0,1 điểm phần trăm, còn 9.9%.

- "Mức lãi suất tiền gửi tối đa theo quy định hiện nay (11%/năm) ở mức khá cao, khoảng 3% so với lạm phát dự báo của tháng 6/2012 so với cùng kỳ năm 2011 (khoảng 7,4-7,5%) và lạm phát kỳ vọng cả năm 2012 (khoảng 7-8%)"
=> Nếu nói lãi suất tiền gửi cao khoảng 3% so với lạm phát dự báo là 7,5%, thì có nghĩa là cao hơn 3% so với 7,5%, tức là lãi suất tiền gửi sẽ bằng 7,5% + 3%x7,5% = 7,725%. Đúng ra đoạn này phải được viết là cao hơn khoảng 3 điểm phần trăm.

Khá nhiều bài viết của NHNN đều mắc những lỗi sai tương tự, như trong bài Họp báo công bố Quyết định hạ lãi suất của NHNN ngày 11/04/2012.

2.3. Báo VnEconomy dịch sai Điểm cơ bản thành Điểm phần trăm:

- Trong bài viết ANZ: Việt Nam có thể tiếp tục nới lỏng tiền tệ của tác giả An Huy ngày 03/08/2012 có đoạn: "Cũng với quan điểm lãi suất của Việt Nam còn giảm, Ngân hàng JPMorgan Chase hồi tuần trước dự báo, lãi suất sẽ còn giảm thêm ít nhất 200 điểm phần trăm trong 6 tháng cuối năm. Ngân hàng Standard Chartered thì cho rằng, lãi suất sẽ giảm thêm 100 điểm phần trong trong quý 3."
=> Lãi suất mà giảm 200 điểm phần trăm tức là nếu lãi suất hiện tại là 9% thì lãi suất sau khi giảm sẽ là: 9% -200% = -191% ?!! +_+

- Đây là link gốc từ báo cáo của JP Morgan Chase: Vietnam: monetary policy rates headed even lower in 2H ngày 01/06/2012. Trong đó có đoạn: "Vietnam has stood out in recent years due to its high and volatile inflation cycles. This year, the inflation cycle has been notable again, though for more positive reasons, due to the consistent and rapid decline in price pressures. As a result, the SBV has eased monetary policy three times in as many months, by a total of 300bp. With inflation still expected to head lower in 3Q, the SBV will likely ease another 200-300bp this year."
=> Ở đây, Điểm cơ bản (Basis point) đã được dịch sai thành Điểm phần trăm. Một sai lầm nghiêm trọng.

3. Túm lại!
Cộng đồng kinh tế VN nên sử dụng thuật ngữ Điểm phần trăm và Điểm cơ bản như thông lệ quốc tế cho các báo cáo của mình để tránh nhầm lẫn và sai sót.

Ví dụ:
Trên website của FED: Open Market Operations

Thursday, May 3, 2012

Hướng dẫn đọc tin tức bằng RSS


Download PDF:

Bản full size 3.3MB

HƯỚNG DẪN ĐỌC TIN TỨC BẰNG RSS


Những người thường xuyên tiếp cận Internet, ngoài công việc ra, phần lớn bao giờ cũng dành ít thời gian để lướt web đọc tin tức vài lần trong ngày. Với sự bùng nổ thông tin như hiện nay, trên mạng tràn ngập các loại tin tức, đến mức làm cho chúng ta cảm thấy choáng ngợp và nhiễu loạn. Vậy làm sao để có thể theo vừa dõi tin tức hàng ngày một cách ít tốn thời gian nhất, vừa không bị nhiễu loạn thông tin mà lại có thể nắm được càng nhiều thông tin càng tốt? Đây là một vấn đề được rất là nhiều người dùng Internet nghĩ đến, và cũng rất nhiều trong số đó khá là vất vả để tìm ra cách giải quyết.

Chính vì lí do trên, mình thực hiện tài liệu hướng dẫn đọc tin bằng RSS này nhằm chia sẻ với mọi người một số kinh nghiệm từ cá nhân, mong rằng có ích cho mọi người. Ngoài hai cách đọc tin tức mà mình sẽ giới thiệu dưới đây, còn rất nhiều cách thức đọc tin RSS khác cũng tiện dụng không kém, tuỳ vào nhu cầu sử dụng của từng người. Do IT không phải là chuyên môn, nên kiến thức về IT của mình trong bài hướng dẫn này cũng rất là chấp vá, nếu có gì sai sót, mong được chỉ dẫn, và hi vọng có thể chia sẻ thêm những phương pháp hữu hiệu khác từ mọi người.


- Giải thích một số thuật ngữ:


+ RSS: là một tiêu chuẩn định dạng tài liệu dựa trên XML (eXtensible Markup Language) nhằm giúp người sử dụng dễ dàng cập nhật và tra cứu thông tin một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất bằng cách tóm lược thông tin vào trong một đoạn dữ liệu ngắn gọn, hợp chuẩn. [1. Tham khảo]

RSS là viết tắt của:  




  • RDF Site Summary (RSS 0.9, RSS 1.0)

  • Rich Site Summary (RSS 0.91, RSS 1.0)

  • Really Simple Syndication (RSS 2.0)


Vì RSS có nhiều phiên bản và được viết tắt khác nhau, nên khi nhắc đến RSS, hầu hết người ta hiểu nó là một thuật ngữ mang nghĩa Cung cấp nội dung web (Syndication of Web Content).


Để đọc nội dung từ RSS, người ta cần một chương trình gọi là Feed Reader hoặc Feed Aggregator. Ví dụ trong bài hướng dẫn này, mình sẽ hướng dẫn các bạn một số chương trình tích hợp sẵn theo Web Browser (Trình duyệt Web – Gọi tắt là Trình duyệt). [2. Tham khảo]


+ Bookmark: là một ứng dụng trong trình duyệt, dùng để quản lý và lưu giữ các đường link (liên kết) trang web ngay trong trình duyệt. Bookmark được quản lý theo dạng Folder Tree (Cây Thư mục), dễ dàng phân loại và sắp xếp theo các nhóm chủ đề khác nhau.

+ RSS Live Bookmark: thay vì lưu trữ một đường link cố định dẫn đến web, RSS Live Bookmark là một bookmark cho phép lưu trữ toàn bộ nội dung của RSS và nội dung này được cập nhật liên tục. Ví dụ như RSS của một trang báo, Bookmark sẽ hiển thị những tiêu đề của trang báo đó kèm thèo link cho mỗi tiêu đề, những tiêu đề này sẽ liên tục được cập nhật ngay khi trang báo có thêm tiêu đề tin tức mới.


- Điều kiện trước khi thực hiện:


Theo nhận định của cá nhân mình, nhìn tổng quan, trình duyệt Chrome khá là ưu việt so với những trình duyệt web khác. Chính vì lí do đó, trong bài hướng dẫn, mình sử dụng trình duyệt Chrome và khuyến nghị mọi người nên dùng nó.

+ Có tài khoản Google

  • Vào đường link http://accounts.google.com, chọn Sign up để tạo một tài khoản Google.

  • Tài khoản Google được dùng chung cho toàn bộ dịch vụ của Google: Mail, Youtube, Google+, Calendar, iGoogle, Reader, Docs...

  • Một chức năng rất quan trọng của tài khoản Google đó là dùng để đồng bộ (Sync) toàn bộ dữ liệu của trình duyệt giữa các máy tính khác nhau. Với chức năng này, bạn có thể đồng bộ hoá tất cả Bookmark, Add in, Apps, History, Cookie, Cache, Themes... có trong trình duyệt.






+ Cài đặt Chrome


  • Vào đường link http://google.com/chrome để tải và cài đặt Chrome

  • Nên chọn ngôn ngữ English, làm quen với các thuật ngữ tin học tiếng Anh sẽ giúp cho bạn sau này dễ tiếp cận hơn với các phần mềm khác.





Bước chuẩn bị
đã xong, sau đây là hai hướng dẫn thực hiện đọc tin bằng RSS mà mình thường hay dùng, bởi nó tiện lợi và dễ thực hiện.


1. Đọc tin RSS bằng Bookmarks của trình duyệt Chrome


- Bước 1: Bật Chrome lên, đăng nhập và đồng bộ Chrome với tài khoản Google. Việc đăng nhập tài khoản Google có 2 mục đích:

Thứ nhất: Đồng bộ (Sync) tất cả dữ liệu của trình duyệt (Bookmark, Add in, Apps, History, Cookie, Cache...). Với dữ liệu đã đồng bộ hoá này, bạn có thể mang chúng đến bất kỳ máy tính nào khác sử dụng trình duyệt Chrome, phù hợp cho những người thường xuyên dùng nhiều máy tính mà vẫn muốn có trình duyệt y như trên máy tính chính của mình.


Thứ hai: Phải đăng nhập tài khoản Google thì mới có thể cài đặt Add in cho Chrome.





- Bước 2:
Cài đặt Add in Foxish Live RSS (<= Bấm vào link): Chrome có một kho ứng dụng (Apps) gọi là Chrome Web Store với nhiều Apps, Games, Themes, Add in... Trong những Add in hỗ trợ RSS Live Bookmark, mình đánh giá Foxish Live RSS là tốt nhất, nên khuyến nghị mọi người sử dụng.




- Bước 3:
Vào các website tin tức, blog...  mà bạn muốn theo dõi tin tức để tìm đường link cung cấp RSS. Hầu hết các trang tin tức đều có hỗ trợ RSS, bạn cố gắng tìm biểu tượng , có thể nằm ở đầu trang, hoặc cuối trang. Ví dụ trong hình là website của Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Và cũng có rất nhiều trang tin tức không hỗ trợ RSS, một thiếu sót vô cùng quan trọng. Gặp phải những trang web này thì đành bó tay!!!



Ở một số trang web, Foxish Live RSS có thể tự động tìm thấy nội dung RSS của trang và hiển thị biểu tượng của nó ở thanh địa chỉ (Address bar). Bạn chỉ cần bấm vào biểu tượng này để tạo RSS Live Bookmark, không cần phải tìm biểu tượng . Ví dụ dưới đây là của trang cnn.com.




- Bước 4:
Các trang báo hầu hết đều cung cấp RSS theo từng chuyên mục: Tin mới nhất, tin nóng nhất, tin theo chủ đề (Kinh tế, Tài chính, Văn hoá, Xã hội, Pháp luật...). Bấm chuột vào chuyên mục mà bạn cần theo dõi RSS.




- Bước 5:
Sau khi bấm chọn vào chuyên mục bạn cần RSS, trình duyệt sẽ chuyển bạn sang trang tuỳ chỉnh của Foxish Live RSS. Bạn có thể tuỳ chỉnh: tên RSS Live Bookmark (Feed name), Folder lưu Bookmark (Parent Folder), Số lượng dòng tin hiển thị tối đa (Max Feed Items).




- Bước 6:
Sau đây là kết quả thực hiện tạo RSS Live Bookmark ở một số trang tin tức và blog. Chúc các bạn thành công! ;)




2. Đọc RSS bằng iGoogle


Mình thích sử dụng cách đọc tin tức này nhất, vì các tiện lợi sau:

  • Nội dung RSS được bố trí thành những ô vuông Gadget trên màn hình, quan sát được bao quát và ngoài RSS Gadget ra, người dùng còn có thể sử dụng thêm các Gadget khác như Weather, Stock, Mail,...

  • Có thể đăng nhập iGoogle ở bất kỳ máy tính nào, bất kỳ trình duyệt nào (Miễn là bạn có thể đảm bảo mật khẩu của mình an toàn).



- Một số thuật ngữ:


+ iGoogle: là trang chủ Google được cá nhân hoá. Trong đó, nội dung trên trang iGoogle bao gồm: Google Search Box (ở trên), Google Chat (bên trái), các Gadget (ở trung tâm và bên phải), Background Image (ảnh nền)... Người dùng có thể tuỳ chỉnh số lượng, loại Gadget, Background Image theo ý thích của mình. Gadget hiển thị nội dung RSS là loại mà chúng ta sẽ sử dụng để cho mục đích của bài hướng dẫn này. [3. Tham khảo]

+ Gadget: các tiện ích chèn vào trang iGoogle theo nhu cầu người sử dụng.


Thực hiện:


- Bước 1: Thực hiện như Bước 1 ở trên.

- Bước 2: Cài đặt Add in RSS Subscription Extension (by Google) (<= Bấm vào link):




- Bước 3 & Bước 4:
Thực hiện như Bước 3 & 4 ở trên.

- Bước 5: Sau khi bấm chọn vào chuyên mục bạn cần RSS, trình duyệt sẽ chuyển bạn sang trang tuỳ chỉnh của RSS Subscription Extension (by Google) như trong hình. Lưu ý là ở bước này, nếu trình duyệt của bạn hiện đang có thêm những Add in hỗ trợ RSS khác thì các Add in khác cũng cùng được kích hoạt khi bạn bấm vào đường link RSS. Ví dụ trong hình, Add in Foxish Live RSS cũng được kích hoạt (tab bên trái của tab hiện tại). Bạn chỉ cần tắt những Add in không cần dùng.




- Bước 6:
Sau khi bấm vào nút Add RSS vào iGoogle, trang hiển thị sẽ chuyển đến trang iGoogle. Tại đây, bạn có thể tuỳ chỉnh, sắp xếp các Gadget theo ý mình. Chọn nút Settings để tuỳ chỉnh Gadget. Bấm vào tiêu đề Gadget rồi kéo thả vị trí mong muốn để sắp xếp. Hình dưới đây là kết quả sau cùng. Chúc các bạn thành công! ;)





Một số gợi ý:


- Có thể sử dụng kết hợp và song song cả 2 cách trên.
- Các Bookmark có thể được tuỳ chỉnh, Import & Export, Backup & Restore một cách dễ dàng. Chọn Setting (Biểu tượng cờ-lê)->Bookmarks->Bookmark manager.
- Phương pháp đọc tin bằng Bookmark, có thể áp dụng tương tự cho trình duyệt Firefox và Internet Explorer (IE). Bookmark trong IE được gọi là Favorites.
- Một số trang web không hỗ trợ RSS, trường hợp này thì không làm gì được.


Tham khảo:


[1] http://www.ngohaibac.net/cach-doc-tin-bang-rss-la-gi/
[2] http://www.webopedia.com/TERM/R/RSS.html
[3] http://support.google.com/websearch/bin/answer.py?hl=en&answer=20324


Liên hệ:
rất mong nhận được sự chia sẻ từ mọi người

Nguyễn Việt Thắng
nguyenvietthang0@gmail.com
www.imhotecseja.worpress.com

Friday, April 6, 2012

Vài nhận định về Nghị định 24/2012/NĐ-CP Quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Đọc nghị định 24/2012/NĐ-CP về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, tóm tắt mấy điểm đáng chú ý sau:

- NHNN sẽ là cơ quan quản lý thống nhất các hoạt động kinh doanh vàng. Trừ hoạt động khai thác và tinh luyện vàng của các DN khai thác vàng. => Trước đây việc quản lý vàng gặp nhiều bất cập là do không có quy định rõ ràng cơ quan chịu trách nhiệm quản lý. Giờ thì đã có quy định rõ ràng.

- Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. => Suy ra NHNN được độc quyền cái độc quyền này.

- Hoạt động kinh doanh vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được NHNN cấp giấy phép. => Ngành kinh doanh có điều kiệu.

- Điều kiện kinh doanh vàng miếng đối với DN:
+ Vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.
+ Ít nhất 2 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng.
+ Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liền tiếp gần nhất.
+ Có chi nhánh, địa điểm bán hàng tại 3 tỉnh, thành phố trực thuộc TW trở lên.
=> Theo những điều kiện này, thì DN mới muốn tham gia vào lĩnh vực kinh doanh vàng miếng thì gặp phải một trở ngại lớn là mất ít nhất 2 năm cho hoạt động kinh doanh, sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ với số thuế phải nộp tối thiếu 500 triệu đồng/năm. Còn không thì phải mua lại một DN kinh doanh vàng miếng đang hoạt động.

- Điều kiện kinh doanh vàng miếng đối với TCTD:
+ Vốn điều lệ từ 3000 tỷ đồng.
+ Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.
+ Có mạng lưới chi nhánh từ 5 tỉnh, thành phố thuộc TW.
=> Những TCTD nào vốn trên 3000 tỷ thì xem như được kinh doanh vàng miếng.

- Người VN và nước ngoài khi xuất, nhập cảnh được mang theo vàng theo quy định của NHNN. => Quy định cụ thể thì chưa có, chờ NHNN ra Quyết định hay Thông tư.

- NHNN được bổ sung vàng miếng vào Dự trữ ngoại hối Nhà nước.

- Cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán. => Người dân hay có thói quen tính giá BĐS theo vàng. Nói miệng thì không sao, nhưng nếu ghi vào hợp đồng mua bán thì được xem là vi phạm pháp luật.

- Trong nghị định có đề cập tới hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản. => Có khả năng sẽ cho phép hình thức kinh doanh này hoạt động trở lại.

Kết luận:
- Qua những quy định này, cho thấy thị trường vàng sẽ được quản lý chặt chẽ và thống nhất hơn. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh vàng hiện tại. Theo ý kiến tác giả bài viết thì Nghị định này sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho thị trường.

- Một số DN sẽ hưởng lợi nhiều hơn, một số sẽ gặp bất lợi. Cụ thể như việc sản xuất vàng miếng sẽ tập trung về một DN (TNHH MTV do Nhà nước sở hữu), dưới sự quản lý của NHNN. Những DN sản xuất vàng miếng khác sẽ mất nguồn lợi từ hoạt động này. Cùng với đó là quy định về điều kiện kinh doanh vàng miếng cũng là một vấn đề đáng quan tâm.

- Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản được đề cập, nhưng không có bất kỳ quy định nào nhắc đến chi tiết hơn. Kỳ vọng NHNN sẽ tính đến việc sớm mở lại hoạt động kinh doanh này.

Tải về Nghị định 24/2012/NĐ-CP

Thursday, March 15, 2012

Nếu mai này anh... chết?

Bánh xe luân hồi

Nếu mai này anh chết
Xin để anh ra đi trong thầm lặng
Giây phút cuối cuộc đời
Anh muốn yên bình giấc ngủ em ơi!

Nếu có lòng em tổ chức đám ma
Xin em đừng xa hoa kèn trống
Vì anh sống đã chắc gì có ích
Chết tưng bừng phiền lối xóm bà con.

Anh còn trẻ nên chưa định chết
Nói cho vui vì tức cảnh sinh tình
Sáng đi đường gặp chình ình đám rước
Bu đầy đường gây ách tắc giao thông.

Imhotec SeJa
TP. HCM 14/03/2012.