Friday, December 27, 2013

Nhìn lại thanh khoản 13 năm qua của TTCK Việt Nam

Tính đến thời điểm những ngày cuối năm 2013 này, TTCK VN đã đi vào hoạt động được gần 13 năm. Trong 13 năm qua, giai đoạn những năm 2006-2008 được xem là thời kỳ phát triển sôi nổi nhất của thị trường. Thời điểm đó, hai từ "chứng khoán" có lẽ được nhắc nhiều nhất trong nền kinh tế, cũng giống như hai từ "khủng hoảng" được nhắc đi nhắc lại trong suốt thời gian gần đây.

Nhiều người có cảm giác hay suy nghĩ rằng thời kỳ những năm 2006-2008 mới là thời kỳ hưng thịnh của chứng khoán. Còn giai đoạn hiện nay là thời kỳ thoái trào. Để có cái nhìn chuẩn xác hơn về vấn đề này, tôi đã thống kê lại lịch sử giao dịch và niêm yết của TTCK VN trong 13 năm hoạt động. Hi vọng là mang lại một cái nhìn toàn cảnh hơn cho mọi người.

Thursday, December 26, 2013

A Di Đà... Mạng!

Nhân vụ 3 nhà mạng đồng loạt tăng cước 3G, thấy anh bạn của mình share một bài báo bàn về chuyện "3 nhà mạng có vi phạm luật cạnh tranh" và kèm theo câu status: "a di đà mạng". Thoạt mới đọc qua status của anh bạn thì mình phì cười. Vì A Di Đà là tên một vị phật, nhưng do người ta thường niệm "Nam mô A Di Đà Phật", nên thành thói quen, nhiều người hay thốt lên "A Di Đà Phật!" trong nhiều tình huống cảm thán mà trong đầu họ cũng chẳng có ý niệm gì về Phật giáo.

Hôi của hay cướp của?

Sau cái vụ xe chở bia bị tai nạn ở Đồng Nai, ngày nào lên mạng cũng thấy nhan nhản cái từ hôi bia, hôi của". Nhưng xét cho kỹ thì trường hợp này nên gọi là cướp của hay hôi của mới đúng?

Mushroom Cloud và Earthrise

Những ngày gần đây các trang tin tức khoa học thế giới đăng đi đăng lại tấm ảnh chụp Trái đất từ ngoài vũ trụ, một quả cầu xanh lơ lửng giữa màn đen thăm thẳm trong không gian. Bức ảnh này được đặt tên là Earthrise, do các phi hành gia trên tàu Apollo 8 đang trên quỹ đạo bay quanh Mặt trăng chụp được đúng dịp Giáng sinh 24/12/1968. Nên giờ cứ hễ đên Giáng sinh là người ta lại cùng nhau kỷ niệm ngày chụp được bức ảnh này.

Một bức ảnh chụp từ ngoài vũ trụ như thế hiện nay không còn quá xa lạ với hầu hết mọi người trên thế giới. Thế tại sao nó lại nổi tiếng đến vậy?

Đại hội đồng cổ đông và Đại hội cổ đông - Dùng sao cho đúng?


Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Còn Đại hội cổ đông là cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông. Một cái là gọi tên của cơ quan, một cái là gọi tên của cuộc họp. Ấy vậy mà chẳng hiểu sao nhiều công ty cứ gọi là Đại hội đồng cổ đông thường niên, nhập nhằng lẫn lộn 2 cái khái niệm này. Đáng lẽ phải gọi là Đại hội cổ đông thường niên hoặc cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên thì mới đúng.

Đại hội đồng cổ đông là từ ghép bởi các yếu tố: Đại + Hội đồng + Cổ đông. Có nghĩa là một cơ quan lớn tập hợp những người sở hữu cổ phần của công ty.

Còn Đại hội cổ đông là từ ghép: Đại hội + Cổ đông. Có nghĩa là cuộc hội họp lớn những người sở hữu cổ phần của công ty.

Trong Luật Doanh nghiệp có định nghĩa từ Đại hội đồng cổ đông, nhưng không có định nghĩa từ Đại hội cổ đông. Chỉ có quy định về cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông được tổ chức như thế nào. Chắc có lẽ vì lí do này mà nhiều người nhầm lẫn trong cách gọi, hiểu Đại hội đồng cổ đông là ghép bởi Đại hội + đồng + cổ đông. Đâm ra dùng lung tung.

Mà mấy công ty nhỏ dùng sai không nói, nhiều công ty cổ phần lớn, tiếng tăm vẫn cứ dùng sai. Mà cái sai dùng nhiều rồi sẽ bị tưởng nhầm là cái đúng. Lúc đó rồi sẽ chẳng phân biệt được đâu là đúng sai thật sự.Thật là một điều tai hại!

Tuesday, December 10, 2013

Tu đến mức nào thì giác ngộ?

Một câu chuyện về Phật giáo vô cùng phổ biến mà có lẽ bất kỳ ai học Phật cũng đều được nghe qua đó là chuyện bàn về Đức Phật tu khổ hạnh dưới gốc cây bao năm mà vẫn chưa ngộ đạo. Đến cảnh thập tử nhất sinh, Đức Phật mới thấy rằng con đường tu khổ hạnh thế này chẳng thể nào giải thoát được. Rồi ông từ bỏ phép tu khổ hạnh, trở lại ăn uống bình thường. Sau đó ông đến ngồi dưới gốc cây bồ đề tiếp tục suy ngẫm và lập thề nguyện, cho dù thịt nát xương tan, nếu chưa giác ngộ, ông sẽ không bao giờ rời khỏi gốc cây. Nhưng lần ngồi suy ngẫm này khác trước, ông chỉ thiền định và tập trung suy ngẫm về con đường giải thoát chứ không tu khổ hạnh, đẩy thân xác đến sự ức chế cao độ nữa. Sau 49 ngày nhập định, cuối cùng Đức Phật cũng đã đạt được cảnh giới giác ngộ.

Cứ mỗi lần suy ngẫm về câu chuyện trên, trong đầu mình lại nảy sinh 2 câu hỏi thường trực. Tu như thế nào mới là đúng, thế nào là sai? Tu đến thế nào mới gọi là giác ngộ? Ví như chuyện luyện công phu võ thuật, còn biết luyện đúng sẽ phát huy công lực, luyện sai sẽ dẫn tới tẩu hoả nhập ma. Đạt cảnh giới tối thượng thì thấy được tay không chém sắt như chém bùn, còn không đạt thì đánh thấy hình không thấy sức. Thế thì đối với việc tu hành, thế nào mới là phải đây?