Thursday, December 26, 2013

Mushroom Cloud và Earthrise

Những ngày gần đây các trang tin tức khoa học thế giới đăng đi đăng lại tấm ảnh chụp Trái đất từ ngoài vũ trụ, một quả cầu xanh lơ lửng giữa màn đen thăm thẳm trong không gian. Bức ảnh này được đặt tên là Earthrise, do các phi hành gia trên tàu Apollo 8 đang trên quỹ đạo bay quanh Mặt trăng chụp được đúng dịp Giáng sinh 24/12/1968. Nên giờ cứ hễ đên Giáng sinh là người ta lại cùng nhau kỷ niệm ngày chụp được bức ảnh này.

Một bức ảnh chụp từ ngoài vũ trụ như thế hiện nay không còn quá xa lạ với hầu hết mọi người trên thế giới. Thế tại sao nó lại nổi tiếng đến vậy?

Một đoạn trong quyển "Từ xác định đến bất định" của F. David Peat có viết rằng: "Nhưng tất cả đã thay đổi trong thế kỷ 20. Nhân loại đã phải trả giá cho thói ngạo mạn kiêu căng trước đây. Sự thay đổi này được tượng trưng bởi hai hình ảnh khắc sâu vào trong lương tri toàn nhân loại: Một đám mây hình nấm và một quả cầu màu xanh trong không gian."





Hình ảnh đầu tiên, đám mây hình nấm, đó chính là hình ảnh của một vụ nổ bom nguyên tử. Nó đánh dấu ngày mà toàn thể nhân loại bắt đầu bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của nguyên tử, của sức mạnh và sự huỷ diệt. Hình ảnh đám mây nấm khổng lồ không những khẳng định thành tựu khoa học vĩ đại, mà nó còn là hồi chuông cảnh báo về sự diệt vong của toàn nhân loại. Sự diệt vong bởi chính những thành tựu do mình tạo ra.

Hình ảnh thứ hai là hình ảnh quả cầu Trái đất một màu xanh lơ lửng giữa không trung đen thẳm bao la. Nó khẳng định thành quả của loài người trong việc chinh phục, khai phá thiên nhiên. Nó cho thấy tri thức khoa học của con người có thể vượt xa khỏi vóc dáng bé nhỏ của mình. Nhưng nó cũng thức tỉnh con người rằng họ thực sự quá nhỏ bé trong cái vũ trụ bao la này, để họ đừng quá ngạo mạn và tự tin rằng tri thức con người rồi sẽ nắm bắt được toàn vũ trụ. Và hình ảnh này còn để nhấn mạnh cho toàn thể nhân loại biết rằng: đây là ngôi nhà chung của tất cả, tất cả con người từ các màu da, tất cả các loài từ động vật cho đến thực vật. Tất cả... "con người, chim chóc, sâu bọ, cá, thú, cây cối, thảo mộc, và đất đá." Tất cả đều là anh em cùng trú ngụ trên một ngôi nhà chung Trái đất với nguồn tài nguyên "không phải là vô hạn". "Cái gì xảy ra ở chỗ này sẽ ảnh hưởng đến chỗ khác." Một cú đập cánh bướm ở Paris có thể mang tới một cơn bão ở Đông Á. Khói nhả từ các nhà máy ở Trung Quốc có thể lan sang Ấn Độ Dương. Núi lửa ở Indonesia có thể gây bụi ở toàn Đông Nam Á...

Trước thế kỷ 20, vào thời đại cách mạng công nghiệp, con người nghĩ rằng họ sẽ là vô địch, họ sẽ chinh phục mọi chân lý khoa học, họ sẽ làm chủ toàn vũ trụ. Nhưng sự phát triển tiếp theo vào thế kỷ 20 cho thấy rằng con người đang bị sa lầy bởi chính những phát minh và khám phá của mình. Họ đang đối mặt với nguy cơ của sự diệt vong. Có lẽ 2 hình ảnh này chính là lời cảnh báo sâu sắc nhất để thức tỉnh nhân loại. Để họ nhìn lại, tự vấn lại con đường của giống nòi; vai trò và trách nhiệm mình đối với Mẹ Trái đất và những anh em khác.

1 comment:

  1. "Thời gian là vô nghĩa cho đến khi con người xuất hiện", câu này bao hàm tất cả ý nghĩa về mặt tồn tại và những hành động của con người...

    ReplyDelete