Thursday, December 26, 2013

Hôi của hay cướp của?

Sau cái vụ xe chở bia bị tai nạn ở Đồng Nai, ngày nào lên mạng cũng thấy nhan nhản cái từ hôi bia, hôi của". Nhưng xét cho kỹ thì trường hợp này nên gọi là cướp của hay hôi của mới đúng?

Mình không phải chuyên gia ngôn ngữ học, cũng không có cuốn từ điển tiếng Việt nào lận lưng để mà tra. Chỉ nhớ theo kinh nghiệm sống thì nghĩa hôi này khác hẳn với tình huống của vụ tai nạn xe chở bia kể trên.

Không biết ở các vùng miền khác như thế nào. Như ở miền Tây mình sống từ nhỏ, khi có nhà nào tát hầm, tát đìa để bắt cá thì chủ tát họ xuống bắt cá trước. Chỗ nào họ bắt xong, hoặc họ đi qua rồi thì những người khác được phép đến để mò bắt lần nữa những con còn sót lại. Mà muốn được xuống bắt như vậy cũng phải xin phép chủ tát và được sự đồng ý. Chứ không tự tiện xuống giành giựt hay tranh bắt với chủ tát. Những người đi bắt cá còn sót lại như vậy, người ta gọi là đi bắt hôi. Cũng na ná như trường hợp đi nhặt lúa còn sót lại, người ta cũng gọi là đi mót lúa.

Thường những người đi bắt hôi hay đi mót lúa như vậy hầu hết là tụi con nít hoặc những người nghèo, nhà không có ruộng đất, phải đi làm thuê, làm mướn. Nên những dịp như thế, họ bỏ chút công sức đi nhặt những gì còn sót lại để cải thiện bữa ăn hoặc kiếm thêm chút thu nhập. Người miền Tây ngày xưa sống tình cảm, chan hoà với nhau. Nên cũng không có chuyện ai cấm cản gì nhau mà còn khá dễ chịu đối với những người đi bắt hôi, đi mót lúa.

Mình nhớ hồi nhỏ có lần theo bà nội đi vô đồng tát cái mương sau ruộng. Cả nhà mình thì bắt phía trước, những người đi bắt hôi họ lội đằng sau. Mình vuột tay làm sẩy mất con cá lóc to. Con cá lóc nó lách một phát ra tuốt đằng sau thì bị một thằng nhóc bắt hôi nó chụp được (gọi thằng nhóc chứ lúc đó nó còn lớn hơn mình). Mình la lên: con cá lóc đó của tao! Thằng kia chưa biết ứng xử sao thì bà nội quay lại nhìn mình rồi bảo: con bắt hụt, nó chụp được thì thôi cho nó đi con. Nghe bà nội nói vậy, mình cũng quay lại tiếp tục đi về phía trước để bắt tiếp, chẳng để ý nữa.

Nói đơn giản, theo kinh nghiệm và cách hiểu của mình thì đi bắt hôi hay đi mót lúa chỉ là đi nhặt những gì còn sót lại sau khi người chủ thu hoạch xong. Chứ không có chuyện tranh cướp của chủ, hay thừa lúc người ta bị tai nạn, sức yếu thế cô mà nhảy vào cướp đoạt. Những hành động ùa vào lấy bia như vụ tai nạn kể trên, hay thừa lúc hoả hoạn, tai nạn giao thông mà lấy đi tài sản của người khác thì phải gọi chính xác là những hành động cướp của cướp giật. Không thể gọi đó là hôi của được. 

Thiết nghĩ, báo chí cần phải xem xét và cân nhắc lại khi sử dụng từ hôi của trong những trường hợp này. Vì nếu cách hiểu từ hôi của mình là đúng, thì cách gọi hôi của như thế, giống như là một kiểu đánh tráo khái niệm, làm giảm nhẹ đi tính chất nghiêm trọng của những hành động cướp bóc xấu xa. Làm cho điều sai trai không bị lên án một cách đúng mức.

No comments:

Post a Comment