Tuesday, December 25, 2012

Suy ngẫm về nhà nước, người dân và lạm phát

Hôm nay nhân đọc một bài nói về trái phiếu chính phủ (TPCP), làm mình nhớ lại câu chuyện hồi nhỏ. Nhớ lúc còn nhỏ, mình thường thấy ba mẹ hay mang về mấy tờ trái phiếu kho bạc. Mà mỗi lần mang về, ba mẹ đều than phiền là cái này mua vì bắt buộc, chứ bỏ tiền mua cái thứ quỷ này, chẳng lời lóm gì bao nhiêu. Mình thắc mắc hỏi ba là tại sao nhà nước (NN) lại phát hành Trái phiếu (TrP) và bắt mình mua? Ba bảo là NN cần tiền cho ngân sách để xây dựng đường sá, trường học, bệnh viện, trả lương công chức nên phát hành TrP để mượn tiền từ người dân chi trả cho các khoản đó. Mình lại hỏi tiếp là vậy cho NN mượn tiền, khi nào họ trả và mình có được lợi gì không? Thường thời hạn là 5 năm, sau 5 năm mình đem TrP đến kho bạc đổi lại tiền cộng với tiền lãi - Ba tiếp tục giải thích.


Mình ngồi nhẩm tính: một trái phiếu giá 100.000 đồng, ls 8%/năm, vậy mỗi năm được lãi 8.000 đồng, 5 năm là 40.000 đồng. Tính vừa xong, mình hỏi tiếp: vậy sau 5 năm, NN phải trả lại cho mình 100.000 đồng cộng thêm 40.000 tiền lãi đúng không ba? Ba ừ. Thế thì NN lấy đâu ra 40.000 đồng để trả lãi - mình lại tiếp tục hỏi. Ba ẵm ừ một lúc rồi nói: thì do không có tiền trả lãi, nên sau 5 năm, NN lại tiếp tục phát hành thêm trái phiếu để có tiền trả nợ và lãi trước đó, cứ tiếp tục như thế cho đến khi số tiền quá lớn, NN sẽ in tiền để trả lãi. Rồi lạm phát, mất giá và đổi tiền.

Tuổi trẻ ngây ngô, mới học lớp 4, lớp 5, nên chỉ hiểu đến thế. Mấy khái niệm lạm phát, mất giá lúc đó quá sức đối với mình.

Giờ đã học xong đại học và đi làm trong lĩnh vực tài chính chứng khoán. Nhưng bài học năm xưa về TrP ba dạy vẫn còn nguyên đó giá trị và lóc nhóc thêm những câu hỏi khác.

Debt Clock - www.economist.com http://econ.st/ZuCLAG
Debt Clock - Economist

Thắc mắc lớn nhất từ lúc đại học tới giờ của mình là vấn đề về lạm phát. Giả sử ta có một nền kinh tế phát triển ổn định, tức là sản lượng năm sau cao hơn năm trước, suy ra tổng các hoạt động kinh tế đang tạo ra giá trị gia tăng cho toàn xã hội. Nếu cung tiền (MS) không thay đổi, thì theo phương trình cung tiền MS/P = f(Yp) của Milton Friedman (với P là giá cả hàng hoá của nền kinh tế, f(Yp) là hàm tổng sản lượng), Yp tăng thì P sẽ giảm. Tức là cùng một lượng tiền như cũ, của cải hàng hoá tăng, thì giá cả hàng hoá phải giảm.Nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Thực tế cho thấy rằng, một nền kinh tế tăng trưởng luôn đi kèm theo đó là một tỉ lệ lạm phát tương ứng. Thậm chí các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô hiện nay, người ta còn chấp nhận một tỉ lệ lạm phát vừa phải để kích thích tăng trưởng kinh tế.Nền kinh tế tăng trưởng và giá cả hàng hoá cũng tăng, vậy suy ra cung tiền trong nền kinh tế tăng nhanh hơn tốc độ tăng của nền kinh tế đó. Vậy thì tiền từ đâu mà ra? Do NN in thêm hay đó là quy luật của nền kinh tế, tăng trưởng luôn đi kèm lạm phát?

Tuy thắc mắc là vậy, nhưng thực ra mình nghĩ các lý thuyết kinh tế hiện nay chắc sẽ có lời giải đáp cho câu hỏi này. Tiếc là mình chưa có đủ trình độ và điều kiện để tiếp cận tới. Nên đành bỏ ngỏ, hẹn lời giải đáp trong tương lai. Nếu có thầy/bạn nào biết thì vui lòng chỉ dẫn và giải đáp giúp. Thực sự cảm kích vô cùng :)

Vấn đề thứ hai là những suy ngẫm về việc NN phát hành TrP, in tiền và lạm phát. Quay lại với câu chuyện mình kể ở trên, nếu NN cứ đều đặn hàng năm tài trợ cho thâm hụt ngân sách và đầu tư công bằng việc phát hành TrP, thì chắc chắn tổng giá trị TrP phát hành đợt sau sẽ luôn cao hơn đợt trước. Và cuối cùng, NN sẽ phải in tiền để bù đắp cho sự thiếu hụt dai dẳng đó. In thêm tiền thì sẽ tạo ra lạm phát. Lạm phát sẽ làm cho đồng tiền mất giá chung so với tất cả các của cải khác trong xã hội. Một thứ thuế vô hình đánh vào giá trị đồng tiền mà người dân tích luỹ được.

Của cải trong xã hội có thể chia ra làm 2 nhóm: của cải có sẵn trong tự nhiên (đất đai, tài nguyên thiên nhiên) và của cải hình thành từ sức lao động (vật dụng, sản phẩm, dịch vụ). Nhưng suy cho cùng, của cải tự nhiên chính là nguồn gốc của tất cả của cải trong xã hội, là thứ của cải cơ bản nhất, nhiều nhất và giá trị nhất. Và chủ thế nắm giữ nhiều của cải tự nhiên nhất trong xã hội, đó chính là NN. Nếu lạm phát xảy ra, NN sẽ là đối tượng hưởng lợi lớn nhất trong nền kinh tế! (Ý tưởng này mình biết được nhờ vào một bài viết đã đọc trên internet, nhưng chẳng nhớ từ nguồn nào).

Hoá ra nền kinh tế này là một cuộc chơi mà NN là một người chơi luôn thắng. Và người dân thì luôn là người gánh chịu hậu quả sau cùng với vai trò là người đóng thuế!

Vậy đâu là giải pháp cân bằng cho vấn đề này đối với toàn xã hội? Quả thật nan giải.

P/S: Giờ nghĩ tới câu hỏi này mình lại nghĩ tới anh Lọ. Nếu mà trả lời được, thì mình cũng bắt chước theo anh, xin nửa giải Nobel!

No comments:

Post a Comment