Wednesday, September 14, 2011

Phân biệt laptop hàng Brand New và hàng Refurbished

Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn.


Laptop, khi được hãng sản xuất đóng gói và bán ra thị trường, không phải cái nào cũng là mới 100% hoặc chưa qua sử dụng, mặc dù tất cả những laptop này đều được hãng sản xuất đóng thùng, dán seal cẩn thận. Chính vì thế, laptop được chia làm 3 loại phổ biến:


- Loại 1: gọi là hàng Brand New, đây là những hàng mới 100%, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và điều kiện xuất xưởng của hãng sản xuất.
- Loại 2: gọi là hàng Refurbished, dịch nôm na là hàng tân trang lại, thường là những máy đã qua sử dụng, vì những lí do khác nhau, được hãng đem về tân trang lại như mới và đóng gói bán ra lại. Theo quy định ở các nước, hãng sản xuất phải ghi rõ thông tin Refurbished lên sản phẩm và bán với giá thấp hơn hàng Brand New 10%-30%.
- Loại 3: gọi là hàng Reconditioned, dịch nôm na cũng là tân trang lại, chỉ khác chỗ đây thường là hàng bị lỗi, được hãng bảo hành, sửa chữa, đóng gói và bán ra thị trường lại. Về cơ bản cũng giống như hàng Refurbished, bị bắt buộc ghi rõ thông tin và bán với giá thấp hơn.


Cả 3 loại trên, đều được đóng thùng, dán seal cẩn thận như nhau, chỉ khác ở chỗ, hàng Brand New trông rất tinh xảo và mới 100%, còn hàng Refur/Recon thì hơi cũ hơn tí. Nhưng vẫn có những hàng tuy là Refur/Recon mà lại rất mới, không khác gì hàng Brand New, chính vì thế, hàng Refur/Recon được dán thêm tem ghi rõ chữ Refurbished (hoặc Reconditioned) trên thùng và trên thân máy. Đây chính là quy định bắt buộc đối với nhà sản xuất, nhà phân phối và bán lẻ ở các nước phát triển. Cả 3 loại này đều được nhà sản xuất đóng thùng, bán và bảo hành bình thường. Hàng Refur/Recon có thời gian bảo hành ngắn hơn hoặc không bảo hành. Với giá tiền và chế độ bảo hành khác nhau, thì rõ ràng là hàng Brand New sẽ hơn hẳn hàng Refur/Recon là điều tất nhiên.


Nhưng tiếc là ở VN, quy định này lại không bắt buộc. Nên các cửa hàng bán lẻ, họ cố tình lập lờ thông tin này với người mua bằng cách tháo tem Refur/Recon trên thùng và trên thân máy, tháo seal thùng, seal máy và seal phụ kiện. Họ thường đổ thừa là do hải quan kiểm tra hoặc kỹ thuật kiểm tra hàng trước khi bán. Nên thỉnh thoảng bạn sẽ thấy cùng 1 dòng máy, nhưng có những cửa hàng lại bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với cửa hàng khác, thường chênh lệch lên đến vài triệu. (Xin nhấn mạnh rằng không phải tất cả cửa hàng bán giá rẻ đều là bán hàng Refur/Recon, có những trường hợp họ có cách để có được hàng Brand New giá cạnh tranh hơn chỗ khác, nhưng phần lớn rẻ thường là hàng Refur/Recon). Nếu các cửa hàng bán hàng Refur/Recon một cách minh bạch với người mua thì không có gì để nói, đằng này họ cố tình thảo bỏ nhãn mác, nói dối KH. Làm cho nhiều người cứ tưởng mua được máy mới giá rẻ hoặc được nhiều khuyến mãi, ưu đãi nhưng thực ra họ đang bị cửa hàng lừa gạt. Mình cũng có vài người quen đi mua máy và bị gạt như thế. Cảm thấy bức xúc giùm họ và bất bình trước kiểu kinh doanh phi đạo đức của một số cửa hàng có tên tuổi. Nên tổng hợp những thông tin về vấn đề này cho mọi người cùng biết, cùng chia sẻ cho bạn bè và người thân, để tránh mắc lừa của bọn gian thương.


Sau đây, mình chia sẻ một số kinh nghiệm khi đi mua laptop:


- Nếu bạn muốn mua đúng hàng Brand New, chấp nhận giá mắc nhưng bù lại chất lượng đảm bảo, thì nên đến các cửa hàng uy tín đại loại như: showroom của chính nhà sản xuất, nhà phân phối chính thức. Đảm bảo hàng đúng chất lượng và được hưởng đầy đủ dịch vụ của nhà sản xuất.


- Không mua hàng đã bị tháo seal, mở thùng sẵn. Hoặc trên thùng, trên máy có dấu vết tháo, lột bỏ seal, tem thông tin của hãng. Hoặc nghi ngờ có dấu vết dán lại seal, dán lại tem. (Có nguồn tin trên mạng nói rằng: "các bác lưu ý đừng nhầm lẫm với 1 số nơi bán hàng phân phối của FPT thì bóc thùng để dán tem của FPT thì lại khác cái này các bác yên tâm". Cái này mình chưa kiểm chứng được, các bạn tham khảo).


- Nếu muốn mạo hiểm tí để mua được máy Brand New giá rẻ, thì khi mua máy, bạn cứ hỏi thẳng với người bán đây là hàng loại gì (Brand New hay Refur/Recon). Nếu người bán ngập ngừng hoặc lòng vòng khi trả lời thì rõ rồi, khỏi cần kiểm tra gì nữa cho mệt. Còn nếu người bán nói chắc như đinh đóng cột đây là hàng Brand New, thì lúc này bạn cần những kiến thức sẽ được giới thiệu dưới đây, để tự kiểm tra máy.


- Nếu bạn không cần quan tâm là hàng Brand New hay hàng Refur/Recon, bạn chỉ cần mua được máy ưng ý, phù hợp túi tiền của mình, nhưng bạn muốn biết rõ laptop mình mua là hàng gì, để khỏi ấm ức về sau, thì sau đây mình sẽ giới thiệu một số kinh nghiệm để phân biệt.


Người mua có thể kiểm chứng bằng các số Serial Number (S/N), Part Number (P/N), Service Tag của máy trên trang Web của nhà sản xuất để biết thông tin về loại hàng. Các hãng có quy ước riêng trong cách đánh số serial để nhận biết. Sau đây là tóm tắt một số dòng máy phổ biến:


1. Lenovo thì thêm ba chữ cái REF ở sau cùng. Ví dụ sản phẩm loại 1 có Part Number là 2887W1F thì hàng loại 2 sẽ là 288W1F-REF.
Xem thêm hướng dẫn có hình minh hoạ:
http://forum.saigonlab.com.vn/f34/huong-dan-phan-biet-laptop-dong-thinkpad-brand-new-va-refurbished-9945/


2. Toshiba thường thêm vào cuối dãy số Part Number (được ghi phía dưới máy tính) chữ B cho biết đó là hàng loại 2 và chữ Z nếu là hàng loại 3. Ví dụ sản phẩm loại 1 có Part Number là PUIKAZ_11_L297; nếu là hàng loại 2 sẽ có Part Number là PUIKAZ_11_L297B; hàng loại 3 sẽ là PUIKAZ_11_L297Z. Tuy nhiên, cách đánh Part Number của laptop Toshiba không đồng nhất cho tất cả các model, thường thấy có hàng loại 2 của hãng này là các dòng Satellite, Satellite Pro, Tecra.
Xem thêm hướng dẫn có hình minh hoạ:
http://forum.saigonlab.com.vn/f36/huong-dan-phan-biet-laptop-dong-toshiba-brandnew-va-refurbished-9952/


3. HP thì quản lý hàng loại 2 và loại 3 bằng Part Number theo quy ước thống nhất cho tất cả các model. nếu là hàng loại 2, thì dãy số và chữ của Part Number sẽ có chữ R phía trước dấu # nếu đó là hàng loại 2. Ví dụ, sản phẩm loại một của HP có Part Number là RK573AA#ABA thì hàng loại 2 của hãng này sẽ là RK573AAR#ABA.
Xem thêm hướng dẫn có hình minh hoạ:
http://forum.saigonlab.com.vn/f32/phan-biet-laptop-hp-branew-va-refurbished-4800/


4. Dell thì không áp dụng cách ghi Service Tag như trên, người mua chỉ có thể dùng Service Tag kiểm chứng thông tin trên Website của hãng tại địa chỉ: http://support.dell.com/support/topics/global.aspx/support. Xin lưu ý: dòng Inspiron của Dell có nhiều sản phẩm loại 2.
Xem thêm hướng dẫn có hình minh hoạ:
http://forum.saigonlab.com.vn/f35/cach-phan-biet-laptop-dell-brand-new-va-refurbished-4801/


5. Sony thì không thể dựa vào Part Number, Serial Number để xác định. Nên nếu muốn mua hàng Brand New của Sony, bạn phải yêu cầu 1 con nguyên seal. Còn ko thể có hàng nguyên seal, bạn có thể dùng Part Number, Serial Number để kiểm tra thời hạn bảo hành của máy trên web của Sony, máy Brand New sẽ có thời hạn bảo hành 1 năm hoặc hơn, còn Refur/Recon, thời hạn < 1 năm.
Xem thêm hướng dẫn có hình minh hoạ:
http://forum.saigonlab.com.vn/f33/phan-biet-laptop-sony-vaio-brand-new-va-refurbished-306/


Trên đây chỉ là một trong những cách có thể phân biệt hàng Brand New và Refur/Recon. Không hoàn toàn 100% là thành công, vì 2 điều sau:


- Hiện nay, bằng những thủ thuật, người ta có thể dán lại seal, dán lại tem máy. Nên việc dựa vào seal và số Part Number, Serial Number được dán trên máy để kiểm tra thông tin thì chỉ mang tính tương đối. Không đảm bảo chắc chắc thành công. Nhưng việc dán lại seal hay tem máy là không hoàn toàn dễ dàng, tinh ý 1 chút có thể thấy được dấu vết dán lại. Nên cách xác định thông tin máy thông qua các số Serial được xem là cách hữu hiệu nhất hiện nay.


- Thỉnh thoảng khi kiểm tra Part Number, Serial Number trên web của hãng, bạn sẽ không tìm được thông tin của máy. Trường hợp do bị giả mạo Part Number, Serial Number thì không có gì để nói. Một số là do khi tìm thông tin máy trên web, bạn tìm sai quốc gia. Ví dụ: laptop của bạn chỉ được sản xuất và bán cho thị trường Mỹ, nhưng khi tìm trên web của hãng, bạn lại tìm trên web thuộc khu vực châu Âu, hoặc châu Á thì bạn sẽ không tìm được thông tin của máy đó.


Chúc các bạn thành công và mua được máy như ý!

No comments:

Post a Comment