Monday, November 12, 2012

Vịt lạm bàn về người Việt

Mấy tuần nay, có việc phải bôn ba đi lại nhiều nơi, chủ yếu là di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng, nên phải lăn lê bò lết ở các bến bãi, nhà chờ, quán ăn, hàng xá... Quan sát dân tình thế thái, chứng kiến biết bao cảnh chướng tai gai mắt, cũng có đôi chút ức chế trong lòng, lúc đầu định viết ra vài dòng nhưng nghĩ thôi đời nó thế, tập sống vô vi, gạt bỏ thị phi, để lòng mình an nhẹ, nên không viết.

Vô tình tối nay lượn lờ Facebook, thấy thằng bạn treo link kèm theo status: "Vẻ đẹp và con người Đồng Tháp như loài hoa sen vậy!".

Đọc xong dòng này mà nộ khí xung thiên, buột miệng thốt lên rằng: Đéo mẹ! Cả cái dân tộc Việt Nam này đi đâu hầu như cũng toàn gặp cái lũ kém văn hoá, hung hăn và thiếu tử tế, cái loại đẹp như hoa sen thì gần như đã tiệt chủng cả rồi, đâu mà còn nữa!!!

Rào trước: đọc tới đoạn trên, thể nào bà con cũng chửi em là phiến diện, miệng chửi thề mà đi phê bình người khác kém văn hoá, nên em cũng xin rào trước vài điều. (1) Em chỉ nói là hầu hết dân Việt Nam, chứ không nói là tất cả, xã hội này cũng còn khá nhiều người tử tế, nhưng tiếc là quá ít! (2) Em cũng đéo phải là thằng có văn hoá, thiện nam tín nữ gì cả, 9 tuổi em đã biết chửi thề, 12 tuổi em đã biết nhậu, 14 tuổi em đã biết hút thuốc... tuổi thơ lăn lộn, chẳng có gì hay ho nên thôi không kể nhiều. Chỉ tóm gọn em chẳng phải là người tốt hay tử tế, chỉ là người ngay thẳng, thích gì nói đó, nên bà con khỏi mắc công chửi em là đạo đức giả! ^^

Thôi thì đêm tối rảnh rỗi, sẵn viết vài dòng coi như ôn lại môn ngữ văn, để tiếng Vịt không bị mai một!



Tính đến cái Thu rồi là em tròn 24 tuổi, xem ra cũng được phần ba tuổi đời, mà nhìn lại sau lưng thì chẳng ra cái ôn gì. Em vốn thích bay nhảy, nên từ nhỏ đã bôn ba nhiều nơi. Cũng đã lê lết được 1/2 cái nước Việt Nam, riêng ngoài Bắc thì chỉ được vọt máy bay ra Hà Lội rồi vọt về, nên cũng chưa có nhiều trải nghiệm, nhưng chí ít cũng biết được ngoài Hà Lội người ta cũng ăn, ngủ và sống như trong Sài Gòn.

Còn về hải ngoại, chưa có dịp nào để đi xa cho biết, nhưng có một dạo, sáng nào ngủ dậy em cũng bước qua biên giới đái một phát rồi về lại Việt Nam oánh răng rửa mặt. Có thể gọi là bôn ba địa ngoại xả nước cứu thân!!!

Đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều loại người, từ TW đến địa phương, từ nông thôn đến thành thị, từ giàu đến nghèo, từ những năm 90 của thế kỷ trước cho đến những thập nhiên đầu của thiên niên kỷ Thứ ba, cho đến bây giờ, em rút ra được một vài điều về con người Việt Nam: hầu hết người Việt Nam thiếu văn hoá, ý thức xã hội kém, hung hăn, thiếu tử tế khi giao tiếp, bầy đàn, nhiều chuyện, khôn vặt, tham lam và chủ nghĩa địa phương.

Những tính xấu kể trên của người Việt Nam có thể biểu hiện khác nhau, thay đổi cường độ ít nhiều tuỳ vùng miền, tầng lớp, địa vị xã hội, nhưng tụ chung lại vẫn là những tính cách chung nhất mà em nhận thấy ở người Việt Nam, chẳng nhìn đâu ra được một đức tính tốt ở số đông. Mặc dù xét về cá biệt, vẫn có khá nhiều người Việt Nam tử tế, nhưng tiếc họ không phải là số đông của xã hội.

Khi nói ra mấy điều này, chắc hẳn sẽ có nhiều người phản bác lại, bảo rằng em chủ quan, phiến diện, chỉ nhìn thấy một mặt rồi vội vàng quy chụp. Xin nói luôn là em không phải nhà xã hội học, nên cũng không dám tranh luận nhiều với bà con, em chỉ nói ra cảm nghĩ của mình, nhưng bà con nào có ý kiến, em cũng vui lòng trao đổi hoà nhã vì tính em thích kết giao bằng hữu, trao dồi kiến thức, chia sẻ quan điểm. Còn nếu bà con nào cảm thấy những lời nhận định ở trên của e là không đúng, thì xin thử trải nghiệm một số việc sau đây:

1. Thứ nhất là em nói người Việt Nam thiếu văn hoá và ý thức xã hôi kém, cái này thì quá dễ chứng minh. Ở khắp Việt Nam, đi đâu cũng thấy bảng "CẤM ĐÁI BẬY", nó xuất hiện nhiều tới mức mà người ta chế ra cả truyện cười về cái "Vịnh Cam Dai", hay gọi đó là căn bệnh "Đái đường" kinh niên của người Việt.

Em nhớ có ai đó nói thế này: "Hãy cho tôi xem nhà vệ sinh của ai đó, tôi sẽ biết được chủ nhà là người như thế nào!". Ở Việt Nam thì nhà vệ sinh nó ở khắp mọi nơi, bờ tường, bụi cây, cột điện... Vào nhà vệ sinh của cá nhân thì còn sạch sẽ, ngán nhất là đi mấy cái nhà vệ sinh công cộng, phải nói là không đâu dơ bằng. Mấy chỗ nhà xe bến bãi thì không nói, ngay cả những chỗ lịch sự như cao ốc văn phòng, hay như cái nhà vệ sinh ở cty em làm nó cũng dơ không kém ngay sau khi có người sử dụng (mấy chỗ này đỡ 1 cái là khi có người dọn dẹp rồi thì nó sạch trở lại).

Nói về thiếu văn hoá và ý thức xã hội kém thì còn khá nhiều vấn đề khác để ví dụ như đi ăn buffer, xếp hàng, lễ hội, hàng phát miễn phí,v.v..., nhưng văn dở thì không nên viết dài, nên em chỉ kể sơ về việc vệ sinh của người Việt, vì chuyện vệ sinh là chuyện tế nhị và tối cần thiết nhất đối với con người, ngay cả chuyện vệ sinh mà còn thiếu ý thức thì chẳng còn cái gì khác tốt hơn.

2. Thứ hai là em nói về sự hung hăn. Chạy xe ngoài đường, nhỡ có qua vẹt nhau, câu đầu tiên người Việt hỏi nhau không phải là "có sao không?" mà là "chạy kiểu gì vậy, #$%^&?!!!". Dừng đèn vàng gây cản trở người phía sau cũng có thể bị chửi, hoặc là đèn bật xanh rồi mà chưa chịu chạy liền, thậm chí còn vài giây mới tới đèn xanh thì đã nghe tiếng kèn inh ỏi phía sau. Người Việt Nam thường có xu hướng giải quyết mâu thuẫn bằng chửi bới và bạo lực, ít có ai chịu nhường ai, nếu nhỡ cả 2 cùng cương thì thường là cương cho tới cùng. Báo chí dạo này liên tục đăng những bài về bạo lực, từ học đường cho tới chuyện người lớn, trong nhà ra tới ngoài thôn, trộm chó cho tới trộm vàng. Sự hung hăn của xã hội ngày càng gia tăng. Bà con nào không tin thì cứ thử mấy cái em vừa kể, nhỡ có bị oánh chết thì đừng có hiện hồn về tìm em, em đập thêm cho khỏi đầu thai luôn!

3. Thứ ba là em nói về sự tử tế khi giao tiếp (giữa người với người hay người với thú gì cũng vậy). Trước tiên là nói về mối quan hệ "đầy tớ" và nhân dân. Vác mặt tới cơ quan nhà nước thì y như rằng sẽ được nghe la mắng, sỉ vả, dạy bảo, nạt nộ... bất kể cái loại nhân dân là già hay trẻ, hiểu chuyện hay khờ khạo. Mà nói chi đến cái bọn "đầy tớ" đầy quyền hành, ngay cả cái thằng bảo vệ ở cổng, chị tạp vụ, hay thím dọn rác ở khu phố cũng có thể hạch sách bất kỳ cái loại nhân dân nào... không biết điều!

Ở Việt Nam, đố có thằng nào dám bước vào trụ sở công an hay UBND xã, phường để hỏi thăm đường xá. Bước vào đó mà hỏi đường lơ mơ nó bắt và chở thẳng vô nhà thương điên thì khổ!

"Tính đến cuối 2011, Việt Nam có khoảng 2,83 triệu công chức, so với dân số, chiếm 2,36%, còn tính lực lượng hưởng lương có trợ giúp từ ngân sách khoảng 7,54 triệu người." [1] Trong cái đám đầy tớ này, không biết được bao nhiêu là tử tế, mà nếu có, chắc cũng thuộc dạng nằm trong sách đỏ rồi.

Đó là nói về quan hệ "đầy tớ" - nhân dân. Còn quan hệ giữa nhân dân với nhau thì còn hỗn tạp hơn nữa. Bà con thử vác đầu ra mấy chỗ công cộng như bến xe, quán ăn, chợ, bệnh viện... cứ hỏi thử mấy anh xe ôm, chị bán hàng một vài câu, hên hên thì nhận được câu trả lời tử tế, chứ phần lớn thì họ trả lời cộc lốc, còn nói mà vẫn chưa hiểu, hỏi lằn nhằn vài câu nữa, thể nào cũng bị chửi... ngu!

Đi mua sắm thì phải ăn mặc cho sang trọng, đẹp đẽ. Ăn mặc xuề xoà thì khó mà được tiếp đãi đàng hoàng, nhiều khi nó còn canh mình như canh trộm. Trong Nam thì người bán họ còn lịch sự hơn tí, không thích cũng để bụng, không chê thẳng mặt, ra Bắc mà đi mua hàng, lăn tăn thì thế nào cũng bị chửi. Ở ngoài Bắc, cửa hàng là Thượng đế, còn khách hàng là cái loại gì thì đến nay vẫn chưa ai xác định được. Vô loại!

4. Bầy đàn, nhiều chuyện, khôn vặt, tham lam và chủ nghĩa địa phương.

Viết tới đây thì thấy dài mà trời đã khuya, thôi túm gọn lại cho lẹ. Em xin kể một câu chuyện vui thế này:
Có một đám đông tụ tập bên đường, bên trong có mấy người bàn tán với nhau "nhìn chết trông thảm thiệt, tội nghiệp quá, trông cũng già rồi, nhưng mà còn bị chết thảm!". Bỗng phía ngoài có một thanh niên chen vào đám đông và la lớn: "Cho tôi qua, cho tôi qua, tôi là con của nạn nhân!". Khi chen được vào giữa đám đông rồi, thì chỉ thấy xác một con chó già bị xe cán chết. Có người chửi đổng vào: "Địt bố mày cái đồ tài lanh, chó chết mà cũng nhận làm cha để xin về thịt àh?!!"

Khi nghĩ về mấy chuyện này, nghĩ tới nghĩ lui rồi em cũng nghĩ tới một điều duy nhất: Một dân tộc mà số đông đang thiếu văn hoá trầm trọng như thế thì không biết lấy gì để tin vào tương lai đây?!! Haiz...

Đón sau: Nói gì thì nói chứ em cũng mong là những nhận định trên của em là chủ quan và chưa toàn diện. Còn bằng không, thì chỉ có thể hi vọng một điều rằng dân tộc nào cũng có lúc thịnh lúc suy, rồi sẽ có ngày dân tộc Việt Nam qua suy đến thịnh. Ngày đó là khi nào thì có Trời biết, cứ mà hi vọng thôi.

Chú thích:
[1] http://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-truong-noi-vu-co-nghe-tin-chay-viec-ton-nhieu-tien-579227.htm

3 comments:

  1. hehe bài viết của ông anh khá là chuẩn xác, duy chỉ có mục 3 thì như em đây ra đường hỏi mấy bác xe ôm hay chị bán hàng đường đi lối về đa số họ đều chỉ bảo nhiệt tình, em nghĩ chắc do cách mình hỏi thôi, lễ phép đàng hoàng hay thô lỗ cộc lốc, sau khi hỏi có cảm ơn hay chạy đi luôn không thôi :)

    ReplyDelete
  2. Hì, xh vẫn còn những người tốt mà, chỉ ko biết là còn đủ lâu hay ko thôi?!! +_+

    ReplyDelete
  3. Hay quá đấy.....đúng là xã hội còn những người tốt, nhưng tìm hơi khó thôi. Ko biết bây giờ mình thịnh hay suy nữa... noi chung là so với hồi phong kiến thì còn sướng chán. (đừng nhìn ra nước ngoài là được)

    ReplyDelete